Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

“Cho tôi một vé đi tuổi thơ” !


Tuổi thơ của mỗi người luôn gắn liền với những kỷ niệm khó quên. Tôi thuộc thế hệ đầu của 7x và được sinh ra giữa Hà Nội của thời bao cấp trong một gia đình tiểu tư sản cũ đông con. Nhà tôi mặt trước nhìn ra cầu Chương Dương, mặt sau là ngõ Phất Lộc. Ngày cầu Chương Dương chưa xây thì ở chỗ đầu cầu phía Hà Nội là cái Cột Đồng hồ cao có 3 mặt. Nó là biểu tượng một thời của Hà Nội, sinh thời người ta còn nói tới nó như một địa danh: "đi ra Cột đồng hồ", hoặc là "nhà tớ ở gần Cột đồng hồ"...  Và đó cũng là nơi mà lũ chúng tôi thường tụ tập để thả diều, đá bóng, bất chấp xe cộ đi lại. Hà Nội ngày ấy vắng vẻ như thế còn chúng tôi thì chỉ phải đi học có một buổi.
Những trưa hè ngóng mẹ đi làm về tôi vẫn thường ngồi ở cửa mà dõi ánh mắt sang con đê bên đường. Con đường ven đê vắng đến nao lòng, nắng chang chang. Thoảng lắm mới có bóng người đạp xe nghiêng nghiêng, và kìa là mẹ tôi với nón đội đầu và chiếc làn treo trên ghi đông đã về.
Tối mùa đông nghe tiếng rao “Lạc rang, ngô rang, hạt dẻ…”, bố sai tôi ra gọi bà hàng. Hình ảnh bà hàng với khăn vấn trên đầu và thúng hàng đội trên khăn vẫn nguyên vẹn trong ký ức tôi. Bố thích ăn ngô cúp, loại ngô rang quắt lại, thơm và giòn đến mức hơi cứng, bây giờ chắc chẳng ai ăn. Tôi chỉ thích hạt dẻ và lạc rang, chẳng hiểu sao những thứ của ngày ấy lại có cảm giác ngon và đáng nhớ hơn bây giờ.
Đêm, chị tôi đi làm ca. Bộ quần áo công nhân, cũng chiếc cặp lồng treo trên ghi đông xe đạp. Ánh sáng vàng nhợt nhạt từ chiếc đèn đường loại có chao soi bóng chị lên mặt đường, ngả dài rồi khuất dần vào góc phố, đâu đấy văng vẳng tiếng rao đêm nghe da diết.
---o0o---
Tết. Từ đầu tháng chạp đã lác đác những chiếc xe đạp chở lá dong đi lại, rồi thấp thoáng những cành đào qua phố. Mẹ hay cho tôi đi chợ hoa vào 27 hoặc 28 tết, thường là chợ hoa Hàng Lược. Thể nào hai mẹ con cũng ra về cùng một cành đào bích tán tròn mà mẹ đã mất công lựa chọn, mẹ còn dạy tôi cách chọn cành đào thế nào cho đẹp.
Năm nào nhà tôi cũng gói bánh chưng, các mẹ các chị tất bật chuẩn bị cả mấy ngày trời. Thời điểm "trông bánh chưng chờ chời sáng" thường là đêm 29 Tết. Bọn trẻ con chúng tôi chỉ a dua được lúc sớm, rồi ngủ thiếp đi lúc nào chẳng biết. Quá nửa khuya chợt tỉnh giấc, nghe tiếng củi tra vào lò nổ lép bép, tiếng nhai trầu và tiếng thì thầm trò chuyện của các bà, mẹ, chị. Trong đêm lạnh mà thấy lòng ấm lại.
Sắp giao thừa, tôi được cùng bố chuẩn bị pháo. Pháo phơi trên gác bếp cho đỡ ẩm (😁 đừng ai làm theo nhé), hai bố con gỡ pháo rồi buộc vào một cái sào. Trọng trách đốt pháo đón giao thừa được giao cho tôi, con trai một mà. Pháo phải nổ to, đều và không bị xịt thì mới hên. Tôi luôn cảm thấy tự hào mỗi khi thực hiện trọng trách này.
23 giờ 59 phút 57 giây, 58 giây, 59 giây…, không khí se lạnh và tay tôi run run đưa que diêm về phía ngòi bánh pháo: đoành, đoành, đoành… Nhà nhà rền vang, phố phố rền vang, cả đất trời rền vang. Mùi thơm của khói pháo lan tỏa, thiêng liêng, lòng người xốn xang... Tết đã về với đầy đủ cảm xúc, âm thanh, mùi và vị…
Sáng mồng một Tết và cho tới tận ngày Hóa vàng, xác pháo hồng vẫn lợp kín cổng nhà.
---o0o---
Ngày đó, mùa Hè hay mất điện. Thực tế điện có thể mất quanh năm nhưng chỉ đến hè người ta mới nhận rõ tầm quan trọng của điện, vì họ cần cái quạt. Song với trẻ con thì càng mất điện càng vui, nhất là vào buổi tối, chúng sẽ đổ ra đường mà chơi. Ai còn nhớ trò “Đưa ma ra đồng” không nhỉ? Mất điện chơi trò này mới đỉnh, một đứa làm “ma” nằm thẳng cẳng để dăm đứa xúm quanh, mỗi đứa đặt một đầu ngón tay vào rồi thì thầm đọc "thần chú", thế mà có thể nhấc bổng “ma” khiêng đi vòng quanh. Hay là trò bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng rồi thả xuống chậu nước. Chậu nước như thể một bầu trời và những con đom đóm là những vì sao lấp lánh. Có thế thôi mà chả bao giờ biết chán, đến khi nào phụ huynh hò về đi ngủ mới thôi. Phòng ngủ của chúng tôi, nghĩa là tôi và mấy thằng bạn thân ở trên sân thượng nhà, đúng kiểu màn trời chiếu đất. Bầu trời vằng vặc sao, gió nhẹ mơn man cùng “vầng trăng dịu êm dìu em vào giấc mơ…”.
---o0o---
Có đứa trẻ nào ngày đấy mà không mong tới Trung Thu?  Hầu như đứa nào cũng được đi Hàng Mã, đồ chơi tuy rẻ nhưng tiền bố mẹ cho cũng chỉ đủ mua một, hai món là cùng. Nhưng không phải lo, cuộc chơi đâu chỉ riêng mình, sẽ không có cái gì bị thiếu cả: đèn Kéo quân, đèn Ông sao, rồi đèn gì mà cho nến vào giữa đẩy đi nó quay vòng vòng tôi không nhớ tên, súng ống bơ (khi bắn có cái que đập vào ống bơ kêu lạch tạch), súng phun nước (loại bằng cao su muốn bắn phải bóp vào báng), tầu thủy chạy bằng dầu, đốt lên chạy vòng quanh chậu nước...
Sân thượng nhà tôi rộng, nơi phù hợp để tổ chức đêm Trung thu cho tôi và lũ bạn. Cỗ Trông Trăng thì đứa cái bánh, đứa gói kẹo, đứa hoa quả... Các bà chị chu đáo của tôi lại giúp cho một con chó bông bằng bưởi, đẹp thôi rồi. Chúng tôi trông trăng đến tận đêm khuya, khi nào ông trăng lên tới tận đỉnh đầu mới được phá cỗ, thèm và buồn ngủ đến mấy cũng không được phá lệ này...
Và năm tháng trôi đi.
---o0o---
"Nay khi ta ra chốn công viên, trông bao nhiêu em bé hân hoan, chơi công an đi bắt quân gian...", lời bài hát Bang Bang từ đài nhà ai phát ra như để nhắc năm tháng tuổi thơ của cuộc đời đã qua mất rồi. Giờ tôi đã là một người đàn ông trung niên, "đủ lớn để mong bé lại như ngày hôm qua", và ước mơ có được một tấm vé đi tuổi thơ.
Xin trích lời ông Putin, tổng thống Nga:
“Ai không nhớ về Liên Xô, kẻ đó không có trái tim nhưng ai muốn quay trở lại thời Liên Xô, kẻ đó không có khối óc.”.
Vậy hỡi cô nàng Thời gian, cho tôi mua một vé Khứ hồi nhé.

1 nhận xét:

30 NGÀY TRẢI NGHIỆM HERBALIFE

  Tôi 50 tuổi, vài năm gần đây càng ngày chuyển động càng nặng nề, đứng lâu một chút thì bị đau gối và gót, hay mệt mỏi. Cách đây đã lâu, có...