Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2019

Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu, Bắc Kinh 2019



Mưu sự tại Nhân, thành sự tại THIÊN
Đoàn chúng tôi 23 người: chị em tôi 12 người, còn lại là bạn bè của chị Khanh và đồng nghiệp của anh rể Hải (chồng chị Khanh, còn gọi là Hải Khanh). Theo quy định thì từ 15 người là công ty du lịch có thể tổ chức thành một đoàn riêng, do vậy chúng tôi là một đoàn riêng, nghĩa là không có thêm một ai khác.
Chị em, dâu, rể nhà tôi 10 người; Vợ chồng Long - Hà là con chú ruột tôi; 2 cô gái trẻ nhất đoàn Lê và Viên là đồng nghiệp của anh Hải Khanh; Bạn chị Khanh ngoài 2 vợ chồng chị Yến, anh Nghĩa và anh Tuấn còn có chị Thông là người cùng cơ quan cũ; Chị Thông rủ thêm 5 người (gia đình và bạn bè), gọi đùa là nhóm lục nữ.
Trong khi chị em chúng tôi hầu hết đều thích du lịch thì vì nhiều lý do vợ chồng chị Mai lại hiếm khi tham gia cùng. Lần này quán triệt rằng đời vô thường lắm nên chị đã quyết tâm thu xếp việc gia đình, tư trang hành lý, rồi đóng cọc cho công ty du lịch, ngay cả Nhân dân tệ cũng đã mua rồi. 
Những tưởng thế là đủ, đến ngày sẽ khởi hành thôi, nhưng mà không. Lịch đi cuối tuần thì đầu tuần anh Hải chồng chị - gọi là Hải Mai để phân biệt với Hải Khanh - dính sốt xuất huyết. Chị ở lại chăm anh, đương nhiên rồi. May mà công ty du lịch là chỗ tử tế, sau khi biết tình hình thì không phạt theo hợp đồng mà chỉ tính những khoản tiền mà họ đã bỏ ra để làm Visa và mua vé tầu cao tốc, mỗi người mất 100usd. Chị Mai tôi buồn lắm, nói là phát khóc lên được ý, rõ khổ.
Để thấy, con muỗi bé tí cũng có thể hạ gục con người và dù có tiền, có quyết tâm cũng vẫn chưa đủ. Ai đã biết một cách sâu sắc rằng Thành sự tại Thiên, người đó sẽ thay lòng kiêu ngạo, tự đắc bằng lòng khiêm tốn và biết ơn!

Ngày 1 (19/10)
Sáng
ĐI TẦU BAY - NHẬP CẢNH
Vậy đoàn còn lại 21 người, 6.30 sáng xe đón một nhóm tại Nhà hát lớn, 6.45 đón nhóm còn lại tại cửa ĐSQ Úc trên phố Đào Tấn. Cường (HDV) cầm lá cờ xanh, phát cho chúng tôi mỗi người một chiếc mũ xanh và một thẻ hành lý có tên từng người. Tới sân bay một số người tranh thủ ăn sáng. Phần tôi mỗi khi đi đâu tôi thường dậy sớm, ăn uống, vệ sinh đàng hoàng. Nếu có thể tôi sẽ không để mình phải vội vàng.
10h10 phút chuyến bay cất cánh, chính xác tới từng phút.


Máy bay Airbus 350 theo tôi nhớ, 3 dãy ghế mỗi dãy nhiều hàng, mỗi hàng 3 chỗ ngồi, rộng rãi thoải mái. Thời tiết tốt, kết hợp với máy bay xịn nên chuyến bay rất êm ái. Đáp xuống Sân bay Phố Đông, Thượng Hải, đồng hồ trên điện thoại tự cập nhật giờ địa phương, bây giờ là 14h15. Nhiều người nhẩm tính chuyến bay kéo dài 4 tiếng. Nhưng không phải, chỉ có 3 tiếng thôi, vì giờ Trung Quốc sớm hơn giờ Việt Nam 1 tiếng. 


Chiều - Tối
BẾN THƯỢNG HẢI - MIẾU THÀNH HOÀNG - BẾN THƯỢNG HẢI
Mất gần 2 tiếng để làm thủ tục nhập cảnh, nhận hành lý. Chúng tôi xếp hàng chờ làm thủ tục cạnh một đoàn Việt Nam khác, Cúc (vợ tôi) không thiện cảm với cậu HDV của đoàn đó lắm vì trông cậu ý có vẻ bụi bặm, sau này thêm cả anh Hải Khanh nữa nhưng vì lý do khác. Trước mắt thì nhờ có cậu ý mà chúng tôi biết ra cột 22 để nhận hành lý, nếu không sẽ mất thì giờ phết đấy.


Đón chúng tôi ngoài cửa Sân bay là HDV người Trung Quốc có tên tiếng Việt là Phương. Phương ăn mặc bình dị, trang điểm nhẹ nhàng nhưng có nụ cười rất tươi. Xe đưa chúng tôi về điểm du lịch đầu tiên: Bến Thượng Hải.


Tôi không nhớ quãng đường từ Sân bay Phố Đông về Bến Thượng Hải là bao nhiêu km nhưng thời gian đi mất khoảng 1 tiếng. Con đường cứ thế thẳng tắp mà đi, hết phố Đông thì tới phố Tây. Phương kể: phố Đông xưa là nơi ở của những người nghèo, dân thượng lưu thì ở phố Tây, nên có câu nói đại ý rằng "thà có một cái giường ở phố Tây còn hơn một cái nhà ở phố Đông". Ngày nay thì khác, biệt thự và các công trình hiện đại tập trung phần lớn ở phố Đông, phố Tây không được phép xây biệt thự.
Bến Thượng Hải nằm trên sông Hoàng Phố, chúng tôi tới thì bóng chiều đã tà, thời tiết mát mẻ và khô ráo, nhiệt độ khoảng 22 độ C. Điểm tham quan ngày hôm nay theo chương trình là Bến Thượng Hải và Miếu Thành Hoàng.








Từ Bến Thượng Hải đi bộ sang Miếu Thành Hoàng rất gần. Miếu chỉ còn lại cái tên, thực tế đây là một phố đi bộ rất rộng lớn, bao quanh là nhiều cổng vào, chúng tôi vào cổng số 2, giống như Ô Quan Chưởng. Trời đã tối, bên trong là những cửa hàng sầm uất, lung linh rực rỡ các loại đèn. 
Vợ chồng tôi ghé vào một quán bánh bao canh cua mà Phương giới thiệu rằng đó là một món đặc sắc. 30 tệ (cỡ 100.000đ tiền Việt) một cái, nói là bé thì hơi quá mà gọi là to thì thực sự là quá. Nó được ngâm trong nước cua, ta dùng một cái ống hút để hút nước cua sau đó xơi bánh bao. Nói thật là không thể sánh với Việt Nam được bất luận đứng trên phương diện bánh bao hay nước cua.














Cao tuổi nhất trong đoàn là chị Phương, 72 tuổi. Con lớn chị chỉ kém tôi 3 tuổi. Tôi là út trong một gia đình đông anh chị em nên chuyện đó không lạ. Ra khỏi Miếu Thành Hoàng về điểm tập kết thì thiếu chị Phương và chị Anh. Cường phải đi tìm, các chị bị lạc sau khi vào toalet, để thấy chỗ đó rộng lớn thế nào.
Theo chương trình, ngày hôm nay lẽ ra cuộc chơi tạm dừng tại đây. Nhưng khi nãy ở bến Thượng Hải, Phương hỏi đoàn có muốn đi du thuyền ngắm sông Hoàng Phố buổi tối không, 150 tệ/ người? Ơ kìa, câu hỏi hay đấy, tỷ lệ phiếu thuận là 100%. 
Nếu bến Thượng Hải buổi chiều là sự kết hợp giữa nét tĩnh là các tòa nhà hiện đại bao quanh sông và nét động là các du thuyền đi lại dưới lòng sông thì buổi tối tất cả những thứ đó được người ta tô điểm thêm bằng các loại đèn khiến cho nó trở nên vô cùng lung linh, rực rỡ.



Chúng tôi xếp hàng vào một du thuyền 3 tầng, khá sang trọng và sau đó cố len lên tầng 3. Hành lang đông tới mức kiếm một chỗ đứng cũng khó, nói gì ngắm. Ở giữa là một phòng giống như nhà hàng nhưng vắng vẻ bởi muốn vào đó thì một chỗ ngồi là 30 tệ.
Chúng tôi xuống hành lang tầng 2, không hẳn vì tiếc 30 tệ mà ở ngoài hành lang không khí thoáng đãng, phù hợp với việc ngắm phong cảnh hơn. Tầng 2 không đông, mỗi người tùy thích ngắm cảnh, chụp hình, quay phim...
Tầu đi một vòng sông Hoàng Phố khoảng 1h đồng hồ. Quanh sông là những tòa nhà cao tầng lấp lánh ánh đèn, rực rỡ nhưng không chói lóa. Anh Hải Khanh phát hiện rằng không hề có một biển quảng cáo nào trên những tòa nhà đó. Trên sông những du thuyền xuôi ngược, mỗi chiếc một vẻ và tất cả những thứ đó soi bóng xuống dòng sông tạo nên một bức tranh vô cùng hào nhoáng và sặc sỡ.









Ngày đầu cuộc chơi, chúng tôi về đến Khách sạn đã là 22.30, rã rời. Đêm hình như có tiếng ồn, nhưng mơ hồ.

Ngày 2 (20/10)
Sáng
CHÙA PHẬT NGỌC 
Phương kể, vào đời nhà Thanh có một vị cao tăng sang Myama để thỉnh tượng Phật bằng ngọc quý, dự kiến mang về Phổ Đà Sơn. Song bị kẹt ở Thượng Hải vì thời tiết không thuận lợi. Người dân địa phương xem như duyên lành bèn xin giữ lại tượng và được cao tăng chấp thuận. 















NAM KINH LỘ
Tối qua, trên đường đi, ngồi trên ô tô chúng tôi nhìn thấy một ngã tư đầy ắp người đi bộ. Đông như diễn viên quần chúng trong phim dã sử tại mỗi trận đánh lớn. Đó là nơi mà bây giờ chúng tôi đang có mặt, Nam Kinh Lộ, điểm tham quan cuối cùng của chúng tôi tại Thượng Hải.
Nam Kinh Lộ là một phố đi bộ rộng lớn, 2 bên là những cửa hàng và trung tâm thương mại. Bây giờ là 9.15 và nhiều cửa hàng còn chưa mở cửa. Mặc dù vậy, không khí vẫn rất nhộn nhịp. Tại đây vợ tôi mua một túi hạt dẻ rất ngon, vỏ mềm, lấy ngón tay ấn nhẹ là có thể bóc được. 












Chiều
HÀNG CHÂU
Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, cách Thượng Hải 180km. Thời Xuân Thu là kinh đô nước Việt (của Việt Vương Câu Tiễn chứ không phải Việt Nam ta). 
Điểm tham quan Tây Hồ:
Nhắc đến Hàng Châu, không thể không nói đến Tây Hồ. Chúng tôi tới đây lúc 14.30, đi bộ xuyên qua những con đường mà bạn có thể gọi là những dãy phố hay là những cánh rừng đều được. Vì chúng sở hữu cả những thuộc tính của phố, như đèn xanh, đèn đỏ, nhà cửa; và những thuộc tính của rừng như cây cối rậm rì hai bên và chim chóc líu lo.
Tây Hồ không chỉ từa tựa giống Hồ Tây của Hà Nội về tên gọi mà còn cả về diện tích và sự lãng mạn. Thật khó để so sánh cái nào đẹp hơn cái nào. Nhưng ở đây ta có cảm xúc mới mẻ, cũng cần nói thêm rằng sự xúc tiến du lịch và chăm sóc danh thắng ở Trung Quốc rất tốt.
Đoàn tôi và một đoàn Việt Nam khác được ghép vào nhau trên một chiếc thuyền gỗ chạy điện sức chứa khoảng 50 người. Phương kể nhiều chuyện về Tây Hồ, nhưng bị phân tán bởi phong cảnh và việc chụp ảnh nên tôi chỉ nhớ được ba ý:
1. Có một cây cầu rất ngắn nhưng lại mang tên Cầu Dài. Tương truyền Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài chia tay nhau ở đây, họ quyến luyến mãi không nỡ rời xa nên "Dài" là định lượng về mặt thời gian chứ không phải khoảng cách.
2. Tháp Lôi Phong từng là nơi giam giữ Bạch Xà, trong truyền thuyết Thanh Xà - Bạch Xà. 
3. Nơi đây có mộ thật của anh hùng đả hổ nổi tiếng Thủy Hử, Hành giả Võ Tòng











Mộ Võ Tòng







Điểm tham quan Miếu Nhạc Phi:
Miếu Nhạc Phi chỉ cách Tây Hồ có một hầm đi bộ. Nguyên soái Nhạc Phi, một bậc sỹ phu dũng liệt trung thần thời Tống mà nhân dân Trung Quốc xem là anh hùng dân tộc. Ông bị Tần Cối mưu hèn hãm hại. Trong miếu có mộ thật của ông, mộ gió của con ông là Nhạc Vân. Còn nữa, căm hận Tần Cối là kẻ tiểu nhân, gian thần nên người ta đã đúc tượng Cối và vợ là Vương Thị bắt quỳ, còng tay ngược phía sau ở Nhạc miếu để người đời nghìn năm phỉ nhổ.









Điểm tham quan Mai Gia Ô:
Năm ngoái cũng nơi này phiên dịch lại nói là Mai Gia Thôn, có lẽ chỉ khác nhau về cách phát âm. Từ Miếu Nhạc Phi tới đây mất 40 phút di chuyển bằng ô tô.
Long tỉnh là Quốc trà của Trung Quốc và là sản phẩm gia truyền của làng nghề Mai Gia Ô. Hầu hết người làng mang họ Mai. Trà được sao bằng tay và nghề chỉ truyền cho con trai. Người làng rất giầu có, họ đã tự bỏ tiền làm con đường hầm xuyên núi để tiện cho việc giao thông. Long tỉnh không bán đại trà, chỉ có thể mua trực tiếp tại đây. 
Long tỉnh có 3 loại: Trà Cô nương được các cô gái trẻ hái khi còn non; Già hơn một chút, các chị dâu lên hái, gọi là Trà Chị dâu; Còn lại là Trà Bà già. 
Chúng tôi được đưa tới một nơi, có lẽ là điểm giới thiệu sản phẩm của làng. Từ ngoài nhìn vào, bên phải là những đồi trà thoai thoải và xanh mướt, bên trái là sân rộng với một cây cổ thụ không rõ loại gì, dọc hành lang là những dãy phòng và đoàn được mời vào một phòng trong số đó. Cô nhân viên mặc Gile sẫm mầu mang ra 2 cái giống như cái sàng, một đựng Trà Cô nương, một đựng Trà Chị dâu. 
Chúng tôi được hướng dẫn không chỉ uống mà phải ăn cả lá trà, ngoài giá trị ẩm thực trà còn rất tốt cho sức khỏe bởi khả năng cung cấp dồi dào Vitamin và khả năng thải độc...
Cá nhân tôi thấy Trà ngon, đặc biệt khi ăn lá trà rất thơm, bùi và ngọt hậu. Dĩ nhiên cái gì cũng có giá của nó, 250 tệ một hộp 125g, mua 2 hộp to được tặng 1 hộp nhỏ. Vợ chồng tôi nằm trong số những người mua. Từ hôm nay cho đến lúc về, trước khi đi ngủ Cúc pha trà vào chai Lavi nước nguội và để qua đêm, hôm sau tôi dùng lai rai cả ngày. Không biết tác dụng thật của trà hay do hiệu ứng tâm lý mà tôi thấy sức khỏe rất sung mãn và không hề bị mất ngủ.









Nói một chút về ăn uống, dưới đây là tổng kết của tôi sau tất cả các bữa ăn trong chuyến đi này:
- Công thức chung: 9 món - 1 canh - Giang Nam 1 bia, 1 ngọt - Bắc Kinh 2 bia, 1 ngọt.
- Không quá nhiều dầu mỡ.
- Đã có thêm những món luộc. 
- Trung Quốc không ăn cay nên ít nơi có ớt tươi.
Trích câu nói của HDV: "bữa ăn ngon nhất chỉ có ở nhà mình, ta đi đâu thì ăn cho biết món ăn địa phương nhưng phải ăn sạch (ăn hết sạch) cho có sức khỏe nghe mọi người". Hết trích.




Hầu hết chúng tôi đều nhất trí là món ăn ăn được, để hiểu rõ hơn ta có thể dùng thêm một câu tiếng Anh bồi là Nót Bét. Bữa cơm luôn đầy đủ chất dinh dưỡng với cá, thịt, rau, trứng...
Về bố cục, đoàn chúng tôi có 21 người nên ngồi thành 2 bàn, trong đó bàn 10 người là gia đình tôi. Trước đó anh Tuấn ngồi cùng gia đình tôi nhưng sau bị bên kia tranh mất, anh Tuấn là Nhiếp ảnh gia của đoàn. 
Tối nay, cạnh chúng tôi là hai bàn đồng hương toàn anh em trẻ. Bên này người Việt Nam sang du lịch khá đông, gặp nhau nhiều nên chúng tôi cũng không chú ý lắm. Bất đồ, một người trong số họ mang rượu sang giao lưu với chúng tôi, bên tôi anh Hải, anh Tuấn sang đáp lễ. Trước khi chia tay, họ còn tặng chai Ba kích để anh em có sức mừng chị em nhân 20/10 :-). Không khí rất vui vẻ và phấn khích.





Tối
Điểm tham quan Tống Thành (ngoài chương trình):
"Hãy cho tôi một ngày, tôi sẽ trả lại bạn 1.000 năm", đó là Slogan nổi tiếng về Show diễn Tống Thành Thiên Cổ Tình của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Giá xem show là 385 tệ và không có trong chương trình. Nghĩa là ai muốn xem thì mời móc hầu bao. Long, Hà không tham gia, nói đùa rằng "tiêu thế để mà hết tiền à" :-).
Tống Thành nguyên là một phim trường rộng lớn. Phía trong cây cối, cầu cống, nhà cửa, quán xá rực rỡ. Cảnh vật và phục trang thảy đều theo đúng thời kỳ nhà Tống.
Show diễn kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ, tái hiện lịch sử hình thành và quá trình phát triển, với nhiều giai thoại nổi tiếng của Trung Hoa đời Tống như vị tướng tài Nhạc Phi, chuyện tình Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, truyền thuyết Thanh Xà - Bạch Xà… 
Tôi đã nghe thật nhiều lời ngợi ca về Show diễn từ gia đình, bạn bè, thông tin đại chúng và hướng dẫn viên du lịch. Thực tế đã không đáp ứng được lòng mong mỏi. Đánh giá cá nhân thì đây là một Show diễn đặc sắc về hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và công nghệ. Ví dụ: trên sân khấu pháo bắn cái đùng thì bạn nghe như sét nổ bên tai; Sân khấu mưa rơi thì bạn cũng hơi bị ướt một tí v.v...
Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng không phải cái gì trên đời cũng cân bằng. Trên cơ sở đó, show Tinh hoa Bắc bộ nhà mình vẫn gây ấn tượng hơn đối với vợ chồng tôi.











Ngày 3 (21/10)
Sáng
Mặc dù cùng một công ty du lịch nhưng khác với tour năm ngoái, năm nay chúng tôi bắt buộc phải vào một số điểm Shopping. Sáng nay là điểm đầu tiên, đó là một công ty chuyên giới thiệu và bán các sản phẩm từ tre, trúc nhưng lại có cả chảo chống dính. Ở đây vợ chồng tôi mua một cái áo và vài đôi tất được quảng cáo là chống thối chân, tất này sau đó đã được tôi lập tức đưa vào sử dụng và chứng nhận công dụng :-).
Ngoài ra tôi còn mua một bộ đai lưng và cổ, tác dụng chống đau mỏi. Lưng thì chưa nhưng cổ tôi đã thử, sau một lúc gáy nóng rực lên chả biết có tốt không, nhưng có 98 tệ mua cũng được, nhỡ lên Bắc Kinh trời lạnh có thể đeo cho ấm cổ, một công đôi việc.




Chiều
TÔ CHÂU
Ăn trưa xong chúng tôi rời Hàng Châu, đích đến hôm nay là Tô Châu, thành phố lớn thứ ba về diện tích của tỉnh Giang Tô nhưng đứng đầu về kinh tế, nổi tiếng với các sản phẩm tơ lụa.
Thời Xuân Thu nơi đây thuộc nước Ngô (Ngô vương Phù Sai). Kinh Hàng Đại Vận Hà là con sông bán nhân tạo nối Bắc Kinh với Hàng Châu nhưng lại được nhắc đến nhiều hơn tại đây vì sự có mặt của nó xuyên suốt Tô châu, góp phần tạo nên vẻ đẹp nơi này.
Khác với phồn hoa Thượng Hải và lãng mạn Hàng Châu, Tô Châu yên bình và được coi là nơi nghỉ dưỡng của người dân Trung Quốc.

Điểm tham quan Hàn Sơn Tự:
Hàn Sơn Tự, ngôi Chùa cổ và là biểu tượng của tình huynh đệ sâu đậm giữa 2 người anh em Hàn Sơn và Thập Đắc. Sinh thời Hàn Sơn sau khi có trắc trở ái tình gì đó liên quan tới Thập Đắc thì về ẩn tại chùa này. 
Trong chùa có một tháp chuông, tương truyền Hàn Sơn ở nơi này đánh chuông thì Thập Đắc ở nơi xa có thể nghe thấy được. Du khách muốn vào tháp chuông phải trả 5 tệ và được dặn là chỉ đánh 3 hồi thôi, 4 hồi là xin ở lại chùa để tu đấy.
Anh Hải Khanh ngoài việc đi du lịch thì còn là ông đồ dạy đại học Kiến trúc, vậy nên anh có thói quen và khả năng quan sát rất tốt. Tại đây, anh thấy các góc mái chùa không có hình đao giống như các đình chùa tiêu biểu ở quê hương mình.
Cổng chùa viết 3 chữ Hàn Sơn Tự từ phải sang trái. Chuyện kể rằng, 3 chữ đó nhà chùa đã phải thuê một ông rất kinh về thư pháp (như kiểu Messi trong bóng đá) với giá ngất ngưởng để viết. Song không đủ tiền thanh toán nên ông này viết có 2 chữ Hàn, Sơn rồi bỏ đi, Trụ trì phải viết nốt chữ Tự.
Mặc dù Trung Quốc là khởi nguồn của tục hương khói nhưng Chùa ở đây lại không thắp bất cứ loại hương nào bên trong. Ngoài sân ngay sát cổng chính có một cái lư hương lớn, gần đó là một giá nến cũng lớn. Người muốn thắp hương ra giá nến châm rồi quay về lư hương để khấn vái rồi thả hương vào lư. Tôi quan sát thấy quy trình này được một cô gái thực hiện tận 2 lần?




















Điểm tham quan Sư tử Lâm:
Sư tử Lâm là điểm dừng chân thứ hai tại Tô Châu, Phương giải nghĩa: Lâm là rừng hoặc vườn, Tử là học trò, Sư là thầy. Có nghĩa đây là khu vườn mà học trò tặng cho thầy.
Tôi thấy tên của nó theo nghĩa đen thì đúng hơn, tức là Khu vườn Sư tử. Vì bên trong vườn có những tảng đá to, hình dạng giống những con sư tử và ngay cổng vào là một tấm biển đề Lion Forest Garden. 
Trong Sư tử Lâm có nhiều đồ vật quý, trong đó có bút tích của Càn Long ghi 2 chữ Chân Thú, tạm hiểu là thú thật, sướng thật.
Phong cảnh trong vườn khá đẹp với đầm sen, liễu rủ, núi đá, hang động, ao hồ và những ngôi nhà cổ. Nơi đây từng được sử dụng để quay cảnh Tây lương nữ quốc trong phim Tây du ký.











Chân Thú












Tiêu chuẩn khách sạn của chuyến đi lần này là 3 sao, nhưng so với tiêu chuẩn 4 sao của khu vực Hồ Nam năm ngoái thì nó có phần hơn. Đặc biệt ở Bắc Kinh, ngoài buồng tắm chính trong phòng còn có một bồn tắm lớn ngoài trời, với nước khoáng nóng và vách kính một chiều, nghĩa là trong có thể nhìn ra ngoài ngắm cảnh nhưng ngoài không nhìn vào trong được.
Mai đoàn sẽ đi Bắc Kinh, các chị và vợ tôi tranh thủ xuống sảnh làm mấy kiểu áo dài kẻo nghe nói Bắc Kinh lạnh lắm, không có cơ hội để mặc.








Ngày 4 (22/10)
Sáng
Điểm Shopping Tơ lụa:
Nhắc đến Tô Châu không thể không nói đến tơ lụa, thì sáng nay điểm Shopping bắt buộc thứ hai của đoàn là một công ty tơ lụa.
Ở đây có những con tằm sống và chúng tôi được xem quá trình trưởng thành và quy trình nó nhả tơ như thế nào, và người ta quay tơ như thế nào. 
Có rất nhiều sản phẩm làm từ tơ lụa được trưng bày, nhưng chăn có vẻ tiêu biểu, nó được làm từ kén đôi. Kén đôi là một thứ giống như nhiều thứ khác trên đời, thường bị bỏ đi hoặc quên lãng cho đến khi người ta biết đến giá trị của nó. Giá chăn phụ thuộc vào kích thước chăn, Long mua 1 chiếc tính ra tiền Việt đâu như 2 triệu. 
Phục vụ cho việc đi lại của đoàn ở vùng Giang Nam (Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu) là một xe ô tô to còn tốt, với bác lái xe (Sư phụ) hiền lành và không có mùi. Chuyện về mùi tôi sẽ kể sau. Vị Sư phụ này rất sạch sẽ, hễ dừng xe là lấy đồ ra lau rửa.

























Chiều
Tầu cao tốc đệm từ Tô Châu - Bắc Kinh:
Chúng tôi ăn trưa một cách tranh thủ tại một nhà hàng ngay phía bên trái lối vào công ty. Và sắp sửa được trải nghiệm chuyến tầu cao tốc đệm từ tốc độ 300km/h đi Bắc Kinh. Sẽ mất khoảng 40 phút để tới nhà ga và sau đó là thời gian làm thủ tục cho chuyến tầu khởi hành lúc 12:40'. 
Chia tay Sư phụ và Phương, đoàn tạm biệt Giang Nam. 3 ngày ở đây đã giúp chúng tôi gặt hái được thêm không ít kiến thức về lịch sử, văn hóa của địa phương và những trải nghiệm du lịch thú vị. Thời tiết Giang Nam những ngày qua cũng rất tuyệt vời, chúng tôi có thể mặc áo khoác mỏng hoặc áo cộc tay tùy thích.
Tầu cao tốc đệm từ có điểm đầu ở Thượng Hải và điểm cuối ở Bắc Kinh. Tô Châu là một trong số các điểm dừng để đón, trả khách dọc đường. Thời gian dừng tại mỗi điểm có lẽ chỉ từ 3 tới 5 phút. Ban đầu khi tầu mới dừng đoàn chúng tôi còn giữ nếp sống người Hà Nội thanh lịch nên theo hàng lối từ tốn bước lên. Phần khác cũng bởi mấy người đi trước đứng lại ở ngay đầu toa để xếp valy. Đến khi chuông réo liên hồi báo hiệu tầu sắp chuyển bánh, HDV Cường lúc này đang khóa đuôi đoàn hét cuống lên, giục những người phía trước nhất thiết phải lao lên kẻo tầu nó chạy mất.
Một trong những người đứng lại xếp valy ở đầu toa gây tắc nghẽn là anh Hải Khanh và anh rất bức xúc, vì lẽ ra anh định mang valy vào trong tầu (điều này được phép vì phía trong có khay chứa hành lý), nhưng chính cậu HDV trông bụi bặm đã hướng dẫn mọi người xếp valy to ở chỗ này :-)
Không kể lúc bắt đầu chuyển động và chuẩn bị dừng tại các Ga, tốc độ của tầu dao động từ 295 đến 305km/h và êm như ru. Quãng đường từ Tô Châu tới Bắc Kinh khoảng 1.200km, 2 bên đường xen lẫn là ruộng vườn, nhà cửa, cây cối... Giống như ở Lào, không thấy có một nghĩa trang nào dọc đường tầu đi. 











Đón đoàn ở Sân ga cũng là Phương, nhưng không phải Phương mà chúng tôi vừa chia tay, cô này là HDV chuyên trách khu vực Bắc Kinh. Thoạt đầu, Phương không tạo thiện cảm vì cô ấy nói năng lưu loát như một cái máy nhưng thiếu sự thân thiện. 
Ngoài trời khoảng 12 độ, khô ráo và mặc dù chúng tôi đã chuẩn bị đón cái rét của Bắc Kinh trong tâm trí, nhưng sự thật bao giờ cũng nhẹ nhàng hơn trí tưởng tượng, nó không lấy gì làm lạnh lắm.





Về đến khách sạn đã hơn 21h, Phương nói, các cô chú anh chị sướng trước khổ sau nghe, mấy ngày đầu ở Giang Nam chưa ăn thua gì đâu, từ mai mới là dã chiến, sẽ phải đi bộ nhiều và phải dậy sớm đấy.
Ngày trước tôi ghét đi du lịch theo tour lắm, tôi cảm thấy nó gò bó, vội vã và mệt mỏi. Bây giờ thì ngược lại, không phải là vì nó đã hết gò bó, vội vã và mệt mỏi nhưng tôi nhìn thấy những lợi ích thu được đằng sau những nỗi vất vả đó. Một là đi được rất nhiều nơi và những nơi ta đến đã được chọn lọc; hai là đến nơi nào thì có người thuyết minh về lịch sử, văn hóa của nơi đó; ba là không phải lo ăn gì ở đâu; bốn là chi phí hầu như chắc chắn sẽ tiết kiệm tối ưu. Tất nhiên chẳng có gì hoàn hảo trên đời và cũng chẳng có gì lạ nếu vẫn có những người không thích đi tour.

Ngày 5 (23/10)
BẮC KINH
Sáng
Điểm tham quan Vạn lý trường thành:
Bất đáo Trường thành phi hảo hán, là câu nói nổi tiếng của Mao Trạch Đông, được khắc trên một phiến đá to dựng ngay lối lên của Vạn Lý Trường Thành. Có nghĩa: chưa đến Trường thành thì chưa phải là hảo hán.
Nói đến Hảo hán trong đầu tôi liền xuất hiện hình ảnh các anh hùng Lương Sơn Bạc phong trần, khôi vỹ. Giờ mới biết không hẳn thế. Phương giải nghĩa từ Hảo hán giống như Good men, người đàn ông tốt. Khác với người anh hùng.
Cũng theo lời Phương, tại đây (Vạn lý trường thành), từng có một người "anh hùng" - nhưng không ở Lương Sơn Bạc mà là người Đức - đã cố trèo lên cao quá và lên cơn đau tim không cấp cứu kịp. Câu chuyện nhằm cảnh báo chúng tôi rằng hãy làm Hảo hán, chớ làm Anh hùng.
Vả Bất đáo Trường thành phi hảo hán bất quá chỉ là câu hô hào của ông Mao mà thôi, tôi chả thấy có gì liên quan giữa việc lên Trường thành và trở thành Hảo hán. Nhưng mà Trường thành hùng vĩ và say đắm lòng người là có thật. Từ dưới nhìn lên, hay từ trên cao nhìn xuống chỉ thấy thành thành nối tiếp như không dứt, núi non trùng điệp tít chân trời. Thật chỉ muốn ngửa mặt lên trời mà hú lên một tiếng dài hùng tráng.
Những chuyện Phương kể về Vạn lý trường thành, tôi không tra lại Google để kiểm chứng. Đôi khi đúng sai về lịch sử cũng chẳng cần thiết vì tôi quá tuổi đi thi rồi. Theo đó, Trường Thành có từ thời nhà Tần, nhưng không phải hoàn toàn do Tần Thủy Hoàng xây dựng nên như tôi biết trước đây, mà là chắp nối những cái thành đã có từ trước của nhiều nước để trở nên một Vạn lý trường thành của nước Tần thống nhất. Thành đã được tôn tạo và mở rộng hai lần, lần thứ nhất tôi quên mất rồi còn lần thứ hai là vào đời nhà Minh. Thành dài hơn 6000km, nhiều đoạn đắp bằng thây người. 

Trên thành cách một đoạn lại có một cái chòi, khi phát hiện địch thì lính canh đốt lửa trên chòi, báo động cho quân đội. Tôi đứng trên tường thành, hình dung dưới kia vó ngựa Hung Nô trùng trùng lao lên, cờ súy rợp trời, tiếng hô Sát (giống như xung phong của mình) dậy đất mà cảm thán đến gai cả sống lưng.
Vợ chồng tôi từ dưới trèo lên tính ra được 2 cái chòi rưỡi thì quay xuống, phần vì thời gian không cho phép, phần vì nhớ lời Phương "làm hảo hán thôi đừng làm anh hùng"




















Điểm tham quan Trường Lăng:
Chúng tôi dần có thiện cảm hơn với Phương, kiến thức của cô ấy sâu và là người cần mẫn trong công việc của mình. Trước mặt là Trường Lăng, một trong mười ba Lăng mộ của các vua đời nhà Minh, là nơi an nghỉ của Chu Đệ, con thứ tư của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.
Trong số những người có sức ảnh hưởng tới sự nghiệp chính trị của Chu Nguyên Chương thì Lưu Bá Ôn được nhớ đến như một bậc thầy về phong thủy và khả năng tiên tri. Sau khi Chu Nguyên Chương dời đô về Bắc Kinh, xây thành cao, hào sâu kiên cố, ông hỏi Lưu Bá Ôn "Thành cao thế này liệu có ai vượt qua nổi không?", Lưu đáp: "chỉ có con chim Yến mới bay qua nổi", Vua rất đẹp lòng.
Ngờ đâu đó là một lời tiên tri về Chu Đệ, vương nước Yến, người đã giả điên trong 4 năm để chuẩn bị quân đội, rồi bất ngờ tấn công vào thành Bắc Kinh soán ngôi của cháu ruột mình.
Trong thời kỳ trị vì của mình, Chu Đệ đã có công phát triển kinh tế, ổn định chính trị, quân sự. Đặc biệt là việc ông mở cửa, đóng một tầu lớn giao thương với quốc tế.
Chu Đệ là một ông vua xấu, theo nghĩa đen, tức là mặt xấu. 95 họa sỹ vẽ chân dung ông đã bị chém vì quá chân thật hoặc giả dối; Người thứ 96 sau khi vẽ đã tường thuật bức chân dung của Vua không chỉ giống như thật mà còn mang thần thái như Lưu Bang (Hán Cao tổ) và một ông gì đó tôi quên rồi thì mới được chấp nhận (vì Vua Chu Đệ rất ngưỡng mộ 2 ông kia). 
Những chuyện HDV kể, tôi chép lại, người đọc tự kiểm chứng đúng sai. Khi nãy đi qua chỗ trưng bầy đôi giầy nhỏ xíu của Hoàng hậu, Phương kể, chân bà vốn to nên luôn phải giấu đi để người ta không nhìn thấy. Một hôm bà uống rượu say lộ chân ra, từ đó mà có câu "Lộ chân tướng". Tôi thấy chuyện này chẳng đúng lắm, "Lộ chân tướng" đơn giản là lộ hình tướng thật ra thôi, đọc chữ đã rõ nghĩa rồi không nhất thiết phải có điển tích gì.





Chiều
Điểm Shopping Gối nệm cao su thiên nhiên kết hợp Ion:
Chiều nay chúng tôi đến một điểm Shopping bắt buộc khác, nơi đây bán sản phẩm Gối, Nệm được quảng cáo là làm từ 93% cao su thiên nhiên và có tích hợp Ion. Đón tiếp đoàn là một cô gái người Việt gốc Hoa tên Linh. Cô này trước ở TP. Hồ Chí Minh, sau lấy chồng người Hoa và hiện sinh sống tại đây. 
Linh thuyết trình về sản phẩm rất thuyết phục. Máy đo lượng Ion trong người thì cao nhất trong chúng tôi là 24 đơn vị, trong khi cái gối những hơn 500. Tôi nằm thử chăn, gối, khoan khoái lắm. Lẽ thường chúng ta thích hầu khắp mọi thứ trên đời cho đến khi nghe giá. Chăn kém vài triệu thì đầy 30 triệu, gối gần 2 triệu/chiếc (600 tệ). Thú vị ở chỗ những tưởng công ty lớn vĩ mô thế này thì giá cả sẽ ấn định. Ấy thế mà ông em Long tôi cứ tưng tửng trả 300 tệ/ chiếc, suýt thì mua được.
Rốt cuộc chẳng ai mua gì, nhưng phải ngồi đủ tiếng rưỡi theo quy định. Được cái chăn đệm đấy, cứ thế nằm nghỉ mà hưởng Ion miễn phí.








Điểm tham quan Di Hòa Viên:
Di Hòa Viên đã có từ rất lâu, trước cả khi vua Càn Long xây dựng và đặt tên nơi này là Thanh Y Viên để tặng sinh nhật mẹ. Trong chiến tranh Nha Phiến, liên quân Anh - Pháp bắn phá khiến Thanh Y Viên bị hư hại nặng. Khoảng 28 năm sau, Từ Hi Thái hậu lấy ngân quỹ vốn dùng để hiện đại hóa hải quân ra trùng tu hoa viên trong vòng 10 năm và đặt tên là Di Hòa Viên.
Vườn chia làm ba khu vực: khu hành chính (chủ yếu là Nhân Thọ Điện - nơi Từ Hi tiếp các quan lại và giải quyết quốc sự), khu nghỉ ngơi (gồm các điện và vườn hoa) và khu phong cảnh.
















Bên ngoài Sân vận động Tổ Chim, nơi diễn ra sự kiện Thế vận hội mùa hè năm 2008.










Ngày 6 (24/10)
Sáng
Điểm tham quan Tử Cấm Thành:
Tử Cấm Thành quá rộng lớn, vậy mà mật độ người trên đất cũng không lấy gì làm thoải mái lắm, dù đây không phải mùa cao điểm du lịch.
Chúng tôi phải trả 15 tệ một người để thuê cái tai nghe, hòng có thể nghe được HDV nói giữa đám đông. Tuy số tiền không nhiều nhưng tôi nghĩ nó nên thuộc về công ty du lịch.
Đây là nơi mà tôi tiếp nhận được ít thông tin nhất trong chuyến đi này. Bởi vì mặc dù đã có tai nghe nhưng một là nơi đây vô cùng đông đúc, khó tập trung được; hai là trời đổ mưa khiến chúng tôi phải trú mưa mất 40 phút, do vậy mà quỹ thời gian còn lại là cực kỳ khẩn trương. May mà chúng tôi đã từ chối không tham quan phủ Hòa Thân, một điểm nằm ngoài chương trình mà Phương đưa gợi ý.
Đầu tiên chúng tôi đến một quảng trường lớn, chắc đây là quảng trường Thiên An Môn. Và nếu đúng như vậy thì cái cổng nơi có ảnh Chủ tịch Mao Trạch Đông (ảnh vẽ rất sinh động) ắt sẽ là Thiên An Môn. Qua Thiên An Môn chúng tôi vào đến Ngọ Môn, sau Ngọ Môn là Tử Cấm Thành. Tôi hy vọng mình đang hiểu đúng.
Trong Tử Cấm Thành lại có Điện này Điện kia, rồi Tam Cung, Lục Viện bờ la, bờ la. Còn chưa kịp hiểu cái nào là Viện, cái nào là Cung thì trời đổ mưa như trút nước. Đại để nếu có cái bất biến trong cái vạn biến thì tôi nghe được vài thứ trong khi trú mưa.
- Số phòng trong này nhiều đến mức một người mỗi ngày ngủ ở một phòng thì sau 27 năm mới hết.
- Câu nói "Đi cửa sau" bắt nguồn từ nơi này. Cụ thể Vua thiết triều ở cái Điện phía trước, phía sau là nơi Vua và các quan chuẩn bị, nên quan nào có chuyện gì cần thì có thể "đi cửa sau", thông tin dễ đến với Vua hơn và cũng riêng tư hơn. Một lần nữa tôi lại hy vọng mình đang hiểu đúng.
Trời vẫn chưa ngớt mưa, anh em thấy đấy, ngay cả khi chúng ta có mọi thứ mà thời tiết không thuận lợi thì cũng làm gì được đâu, có chăng ngậm ngùi mà hát "Tôi đứng đó như hình hài pho tượng" mà thôi!
Nhưng ngay cả chuyện đó cũng không dễ, chuyện đứng như pho tượng ý. Vì đám đông húc vào người bạn, tôi nói "húc" là không quá đâu. Bạn đứng giữa một đám đông chật ních để trú mưa, và những người anh em Trung Quốc cứ thế lao xuyên qua chúng ta. Chân đi, tay đẩy, vai huých, miệng nói. Có một bà sồn sồn sau khi húc vào tôi hai phát nhưng làm gì còn chỗ nào cho tôi bật ra nữa, bà tức lắm quát nhặng lên "Sỉ châu cả la, Sỉ cha cả lâu" :-).
Mưa sầm sập khoảng 40 phút thì chuyển sang mưa lác đác, chúng tôi lại quáng quàng lao đi. Có một nơi Vua Khang Hy từng động phòng, và một khe hở đủ cho ta len vào chụp ảnh. Lục nữ và vợ tôi hỏi "thế nào?", "không bằng phòng mình được", tôi đáp.
Kỷ niệm về Tử Cấm Thành là như vậy, mưa gió và nháo nhác. Nhưng phải công nhận là nó to vãi chưởng. Vả lại, cũng không lấy gì làm tiếc vì nghe nói ông Mao cũng đã bao giờ vào đây đâu, không hợp mệnh thì phải.
Chúng tôi ra khỏi Tử Cấm Thành ở một cửa khác, trông cũng giống giống Ngọ Môn nhưng không phải.







































Chiều
Điểm tham quan Phố đi bộ Vương Phủ Tỉnh:
Vương Phủ Tỉnh, một phố đi bộ kiêm Trung tâm thương mại. Nếu chương trình là một tác phẩm điêu khắc và tôi là một người thợ thì chắc chắn Vương Phủ Tỉnh sẽ bị gọt đi vì nó chẳng khác gì Nam Kinh Lộ ở Thượng Hải. Vợ chồng tôi và chị Vân chui vào một Trung tâm thương mại kiểu như Aeon Mall Long Biên, mục đích là đi toalet và chờ cho hết giờ.





Điểm Shopping Bắc Kinh Đồng Nhân Đường:
Ai đã nghe về An cung - thuốc chữa đột quỵ rất có công hiệu - chắc không lạ Bắc Kinh Đồng Nhân Đường. Chúng tôi được mời vào một phòng rộng. Bác sĩ Thanh, người đàn ông cỡ 60 tuổi, lên bục giảng và chúng tôi ngồi thành nhiều dãy bàn ở dưới, giống như một lớp học.
Bác sĩ Thanh nói tiếng Việt tốt lắm, ông giới thiệu về công dụng của các loại thuốc và tất nhiên đặc biệt tập trung vào An Cung. Theo ông thì An Cung chỉ không nên dùng cho người Huyết áp thấp, còn lại ngay cả trường hợp Xuất huyết não vẫn có thể sử dụng tốt.
Sau đó một nhóm người mặc Bờ lu trắng gọi là các Chuyên gia, mỗi Chuyên gia đi kèm một Phiên dịch mặc Vét đen. Họ khám bệnh và kê đơn cho chúng tôi. Vài người trong đoàn mua thuốc, thuốc ở đây không hề rẻ. Như An cung có giá 560 tệ /viên. 








Đêm nay Bắc Kinh xuống còn 2 độ C, nhưng trong phòng không lạnh lắm. Kể cả những lúc ngoài trời 6 - 7 độ C chúng tôi cũng không có cảm giác lạnh buốt tới mức run lên như cái rét Hà Nội.

Ngày 7 (25/10)
Sáng
Điểm Shopping Mỹ phẩm, Trang sức làm từ ngọc:
Bắc Kinh ngoài chuyện tắc đường cũng có thể gọi là một thành phố đẹp. Xe máy bị cấm, chỉ có ô tô và xe điện. Đường rộng, nhiều làn với những hàng cây lá vàng rực rỡ chạy dọc 2 bên. Chỗ này thực sự tôi có mô li phê lên một tí chứ không phải đoạn nào cũng có hàng cây lá vàng.
Ở đây muốn mua xe ô tô không dễ, mỗi gia đình được đăng ký một biển số. Xe bán, biển không được bán. Chồng đã có biển thì vợ chỉ có nước ly dị mới được cấp biển khác. Đăng ký để lấy một biển số chờ dăm mười năm là chuyện thường.
Hôm nay là ngày cuối của hành trình, chiều nay chúng tôi sẽ bay chuyến 15:45' để về nơi có thể lấy cho mình, dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quen. Bây giờ vẫn còn một điểm Shopping nữa cần phải đi, xe đưa chúng tôi tới một tòa nhà nhiều tầng hoành tráng trưng bầy đồ trang sức và mỹ phẩm làm từ ngọc.
Đón tiếp đoàn là một cô nhân viên và một con Tỳ hưu, nhưng chỉ cô nhân viên là thật. Cô này nói tiếng Việt lơ lớ, khi cô nói ta có cảm tưởng như một người đang bị bóp cổ và phải cố ngước lên để nói tiếp, mệt cực. Vì thế sau đây ta sẽ gọi cô là "Ngước" cho ngắn và dễ nhớ.
Ngước mời chúng tôi vào phòng khách, ở đây không được phép chụp ảnh. Đang khi cô ấy giới thiệu về sản phẩm Kem dưỡng da Ngọc trai với giá 300 tệ/ hộp, mua thùng 6 hộp sẽ được tặng 1 hộp, còn chúng tôi dự định thương lượng để tăng số lượng tặng từ 1 hộp lên 2 hộp, thì tình cờ xuất hiện một quý bà mặc Vét trắng cùng với mấy người dáng vẻ trợ lý tiến vào, nhưng họ không dừng lại mà đi ngang qua phòng nơi chúng tôi đang ngồi. Ngước rạp mình chào. Sau khi Vét trắng khuất vào phòng trong, Ngước giới thiệu đấy là Sếp và thật là nhân duyên lớn lắm chúng tôi mới được gặp Sếp, đây là cơ hội lớn cho chúng tôi vì ở đây chỉ Sếp mới có quyền giảm giá. 
Trừ một vài người trong đoàn quá thiếu niềm tin vào cuộc đời, còn lại rất háo hức chờ đón giây phút tương phùng. Lát sau, Vét trắng và trợ lý từ phòng trong đi ra, cô ấy mải miết nói chuyện điện thoại và kìa, chỉ một bước nữa thôi cô ấy sẽ bỏ mặc chúng tôi mà đi mất. Vâng, chỉ còn lại đây một giây nữa thôi, thì may, Ngước đã gọi với theo.
Vét trắng tên Linh, nói chuyện rất thuyết phục, Ngước đứng nghiêm phía sau như một cận vệ trung thành. Một số chị em trong đoàn đã nuốt từng lời.
Mặc dù bận nhưng không hiểu vì sao Linh có tình cảm đặc biệt với đoàn, nên đích thân đưa đoàn lên tầng trên để xem sản phẩm, công việc mà vô cùng hiếm khi Linh làm trước đó, theo lời Ngước. Chúng tôi thảy đều cảm động.
Tầng trên cũng rộng mênh mông và rất nhiều sản phẩm các loại, giá cả niêm yết rõ ràng và khá đắt. Tuy nhiên, bạn đừng quên ta đang nắm trong tay một cơ hội vàng tên Linh. Cụ thể là cái hộp kem khi nãy 300 giờ chỉ còn 100, cái dây chuyền 300 cũng chỉ còn 100. Anh chị em mua cái gì Linh cũng giảm giá cho kịch sàn, đây không đơn thuần là vấn đề thương mại nữa, đã chuyển sang lĩnh vực tình cảm rồi.
Thị trường đang rất nhộn nhịp, sắc xanh ngập tràn thì ông Long dội ngay cho gáo nước lạnh: "Con này là bán hàng chính đấy". Em Lê bồi thêm: "em mua cái dây này ở Việt Nam có 100.000đ". 
Thế có chán mớ đời ra không, đúng là "Câu hát đang ngân bỗng tắt nửa chừng". Tuy vậy, sau đó để bộ phim kết thúc có hậu, ông Long cũng mua cho vợ đôi khuyên tai. Giá niêm yết là 680 tệ, giá Linh giảm cho là 200 tệ, giá Long mặc cả và mua là 100 tệ.

Hiện thực bao giờ chả thế, ít lãng mạn bỏ xừ ra được.






Chiều - Tối
Hà Nội ngày trở về
Ăn trưa xong chúng tôi ra sân bay để còn làm thủ tục, chuyến bay bị chậm 1 tiếng. So với chuyến đi, tầu bay chuyến về chỉ có 2 dẫy ghế. Vợ chồng tôi, vợ chồng Long, Lê và Viên bị ngồi ở ngay cửa thoát hiểm. Bất tiện là không có cửa sổ và bàn ăn nhỏ nhưng bù lại không gian rất thoải mái. Khổ cho Vợ chồng anh Hải, chị Khanh ngồi ngay cửa Toalet, mà cái tầu bay này có mỗi một toalet nên người ta cứ xếp hàng dài. Bù lại là muốn đi toalet thì đỡ phải xếp hàng. Đúng là cái gì cũng có mặt tích cực của nó.
Thời tiết Hà Nội đang lúc mát mẻ nhưng chúng tôi vẫn phải cởi bớt áo khoác. Xa Hà Nội mấy ngày thôi mà thèm Phở lắm. Vợ chồng tôi ghé quán phở Lý Quốc Sư trên phố Đào Tấn và đang trên đường đi Taxi về nhà thì nhớ ra còn quên một thứ. Đó là chuyện mùi trên xe ô tô. Vậy, chúng ta chịu khó quay ngược lại Bắc Kinh chút nhé. 
Một hôm, trong một bữa ăn có một món trong số 9 món, món đó chị Anh tôi cho vào miệng thì vội nhổ ra ngay còn vợ tôi sau khi gắp vào thì phải đi đổi đôi đũa mới. Thầm trách mọi người khó tính quá nên khi món đó quay qua vị trí của mình, tôi gắp thử miếng xem sao. Sau đó, tôi thôi không còn trách mọi người nữa nhưng vẫn cố giữ vẻ thản nhiên. Rồi tới chị Khanh đòi chuyển nó ra chỗ khác, chuyển sang chị Vân thì mặt chị nhăn. Rốt cuộc, đi đến thống nhất là chuyển trả lại nhà hàng.
Đó là một đĩa xào, nhìn giống như thịt bò xào hành tây. Vấn đề là nó có một thứ mùi rất kinh khủng, nó thế nào nhỉ? Hăng hăng, nồng nồng, khó tả và khó ngửi lắm. Có lẽ nó là kết hợp của một số loại gia vị bao gồm nhưng không giới hạn là Hồi, Tỏi, bột Cà ri v.v...
Thì chính cái mùi này đã xuất hiện ở một cô gái hiện đại, ngoại hình sạch sẽ, ngồi cạnh tôi trên Tầu điện cao tốc. Người ở đây ăn loại gia vị này nhiều nên nó toát ra mùi mồ hôi chăng?
Cô gái chỉ ngồi cạnh tôi qua mấy ga nhỏ thì xuống, nhưng anh bạn lái xe phục vụ chúng tôi thời gian đầu ở Bắc Kinh thì thật sự là một vấn đề. Đầu tiên phải kể đến nồng độ, nếu mùi ở cô gái có nồng độ 3 đơn vị thì ông này 9. Thứ hai là ông ý ngồi trong xe đóng kín suốt cả ngày. Mỗi khi lên xe, bước qua chỗ ông ý ngồi chúng tôi không còn giữ được lịch sự mà phải lấy áo che mũi. Rồi còn phải ngồi trong xe hàng giờ đồng hồ. 3 ngày ở Bắc Kinh thì chúng tôi kiên nhẫn chịu đựng được ngày rưỡi, sau đó phải đổi sang xe khác.
Bây giờ hy vọng không còn quên cái gì nữa, mà quên thì cũng thôi để còn về với ngôi nhà và những đứa trẻ thân yêu.  Thế mà loanh quanh cất dọn đồ đạc, tắm rửa xong cũng đến 11.30 mới được đi ngủ. Sáng nay thức dậy, những chuyện vừa kể như một giấc mơ.

Chia sẻ thông tin Tour: 
- 16.500.000đ/người + 5$/người/ngày (tiền Tip) + Mua sắm (tốn phết đấy)
- Sáng thường dậy từ 6h, tối thường về lúc 9h.
- Phải có sức khỏe và đam mê du lịch mới chơi được, yếu thì đừng ngại xin kiếu. Cơ mà bà chị 72 tuổi của tôi không kêu nửa câu nhé.
Đánh giá cá nhân:
Điểm cộng của Tour:
- HDV chuyên nghiệp, tận tình, chu đáo, vui vẻ, lịch sự.
- Khách sạn, ăn uống, phương tiện đi lại OK.
- Giá cả hợp lý
Điểm trừ của Tour nằm hoàn toàn ở Bắc Kinh:
- Tai nghe tại Tử Cấm Thành mà đoàn phải trả mỗi người 15 tệ nên thuộc về Công ty du lịch.
- Giam đoàn 1h30 phút trong công ty Đệm, gối Cao su non - Ion.
- Vương Phủ Tỉnh lặp lại của Nam Kinh Lộ.
- Thời gian tại các điểm tham quan là khá vội vàng trong khi cả một buổi sáng cuối dành cho điểm Shopping trang sức, mỹ phẩm từ Ngọc quá thừa. Chưa kể có thể bỏ điểm Vương Phủ Tỉnh mà chia thêm thời gian cho các điểm còn lại.
Kinh nghiệm cá nhân:
- Nếu có thể hãy trả thêm tiền để không phải đi những điểm Shopping
- Trước khi đi Tour nên yêu cầu được gặp HDV trước, cùng xem, hiểu và thống nhất về hành trình. Để nếu có thể thì sửa những gì chưa hợp lý.







2 nhận xét:

  1. Tôi không thể cảm ơn Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đủ để giúp tôi khôi phục lại cuộc hôn nhân của mình với niềm vui và sự an tâm của nhiều vấn đề gần như dẫn đến ly hôn. Cảm ơn Chúa, tôi đã tổ chức Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đúng giờ. Hôm nay tôi có thể nói với bạn rằng Tiến sĩ EKPEN TEMPLE là giải pháp cho vấn đề này trong hôn nhân và mối quan hệ của bạn. Liên lạc với anh ấy tại (ekpentemple@gmail.com)

    Trả lờiXóa

30 NGÀY TRẢI NGHIỆM HERBALIFE

  Tôi 50 tuổi, vài năm gần đây càng ngày chuyển động càng nặng nề, đứng lâu một chút thì bị đau gối và gót, hay mệt mỏi. Cách đây đã lâu, có...