Thứ Tư, 8 tháng 1, 2020

Thờ cúng tổ tiên


Gửi bạn thân,
Hôm trước anh có hỏi tôi về việc anh em Tin Lành ứng xử thế nào với việc thờ cúng tổ tiên, là một truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Để tôi kể anh nghe chuyện của gia đình tôi. 
Bố tôi có 2 bà vợ và họ đã phải kiên nhẫn cho đến khi sinh ra tôi làm người nối dõi tông đường, bởi trước tôi là một cơ số các chị gái. Theo truyền thống, tôi là niềm hy vọng của cả nhà, thậm chí mang trọng trách của một chi họ vì bố tôi là con trưởng. Khi bố mẹ về già, tôi lấy vợ và bắt đầu ý thức về vai trò con trai trưởng nên chuyên tâm việc gia đình, dòng họ như bao đời nay vẫn thế.
Mẹ già không sinh ra tôi nhưng nuôi nấng, dạy dỗ và che chở tôi như một người mẹ. Giỗ, Tết bà luôn đưa tôi theo với một niềm tự hào về thằng con giai, mặc dù thời điểm đó tôi chẳng có gì đáng để tự hào. Dường như, bà chỉ trông cậy rằng khi bà mất đi tôi sẽ là thằng "chống gậy". Đối với tôi, bà là biểu tượng của tình yêu thương mà không cần huyết thống. Vì lẽ đó, nghĩa đen và nghĩa bóng của sự "chống gậy" đều được tôi tha thiết thực hiện sau khi bà qua đời. Trong đó có việc thờ cúng tổ tiên, chăm sóc mộ phần, thăm hỏi cao niên, kết nối quê hương... Trải qua hơn 20 năm, vợ chồng tôi nhận được đánh giá tích cực từ anh chị em, họ hàng... Có thể nói, đây là một công việc mà chúng tôi dành sự ưu tiên trong cuộc sống anh ạ.
Việc thờ cúng như anh biết và cũng giống như biết bao gia đình Việt Nam khác, thường định kỳ vào mồng một, ngày rằm hàng tháng và các ngày giỗ, tết... Trong những ngày đó, vợ tôi mua sắm hoa, quả hoặc làm thêm mâm cơm để thắp hương. Và cũng như anh thôi, chúng tôi chẳng biết Tổ tiên có nhận được những gì mình cúng không. Trước kia tôi có hỏi, bố mẹ bảo không biết, các chị cũng không. Hầu hết chúng ta làm theo truyền thống và để cho mình cảm thấy yên tâm. 
Mọi việc có lẽ cứ thế, đời tôi sẽ qua đi, các con cháu tôi sẽ tiếp tục những công việc mà bố, mẹ, ông, bà chúng đã làm nếu như không có gì thay đổi. 
Nhưng như anh biết, mọi thứ luôn vận động, do vậy mà thay đổi. Có những thứ thay đổi tự nhiên, có những thứ thay đổi do con người. Mục đích nhằm thích nghi và tiến bộ. Vì thế, không phải hễ cứ là truyền thống thì nhất quyết gìn giữ, mà phải hiểu biết lẽ thật. Cái gì hữu ích thì ta duy trì và phát huy, cái gì vô ích hoặc không còn phù hợp nữa thì ta cải tiến hoặc bỏ đi. Chẳng hạn như bây giờ chị em bỏ truyền thống nhuộm răng đen; hay tết Hàn thực thờ ông gì đó bên Tầu thì vì sao ta lại cúng?
Chưa kể, Đạo Phật là tôn giáo gần gũi với người Việt Nam nhất, và theo quan điểm Phật Giáo, những người đã mất không thể nhận được đồ cúng trừ khi họ là Ngạ Quỷ.
Tư liệu tham khảo.
Gần đây khi đời sống chung đi lên, nhà tôi có khi vừa mồng một xong thì tới giỗ cụ, rồi lại rằm... , nhiều khi đồ cúng không ăn hết để lay lắt mãi. Dịp Tết, chưa hết ông Công thì đến Tất niên, rồi Giao thừa, Mồng 1. Sáng Mồng 3 cỗ bàn chưa biết cái gì còn ăn được, cái gì đã hỏng rồi thì lại thấy vợ làm "cơm" để chuẩn bị Hóa vàng!
Ấy là nhà tôi còn thuộc loại đơn giản, nghe nói nhiều vùng quê phụ nữ chết dở cả mấy ngày. Thành thử Tết lẽ ra là vui mà nhiều người sinh ra sợ. Người làm thì vất vả, người ăn uống thì ê chề, các cụ có tiếng chẳng có miếng... Trong khi sự chè chén của đám đàn ông, sự cực nhọc của đám đàn bà và sự lãng phí trong các dịp lễ tết là những điều mà người biết nghĩ và dám nghĩ cần phải không chỉ dừng lại ở ý nghĩ. 
Nhưng từ lâu nay, người ta không dám thay đổi gì, còn bởi người ta sợ. Đủ các thứ tục lệ, thầy bùa, đồn đoán trong dân gian làm người ta phải sợ. Nào là chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3; nào là năm Kim lâu, năm Thái bạch; nào là chết ngày nào giờ nào thì tốt, ngày nào giờ nào thì trùng tang... Anh nghĩ xem, cha mẹ chúng ta cả đời thương yêu, mong muốn con cái sống vui vẻ, hạnh phúc chả lẽ đến lúc chết lại lôi con đi theo? Việc như thế mà người ta cũng nghĩ ra và hùa theo chỉ để phục vụ cái gọi là "cho nó yên tâm".
Chúng ta đang làm những việc không có kết quả, nhưng lại dễ nhìn thấy hậu quả. Đốt vàng mã chẳng những lãng phí mà còn có thể gây hỏa hoạn; hương khói hóa chất; đồ cúng thừa thãi lãng phí; lễ tết rượu chè, cờ bạc sinh bệnh tật, cãi vã, trì trệ; quan niệm mê tín dị đoan gây ảnh hưởng tới việc kinh doanh (ví dụ như tháng cô hồn) và những việc khác nữa; ...
Thế giới có nhiều tôn giáo, nhưng gần hết loài người theo Cơ đốc giáo, Hồi giáo và Phật giáo (thống kê tới thời điểm hiện tại có 2.2 tỷ Cơ đốc nhân, 1.8 tỷ tín đồ Hồi giáo và khoảng 400 đến 700 triệu Phật tử). Cả ba tôn giáo này không hề dạy con người thờ cúng người đã chết, xem ngày, dâng sao giải hạn. Theo Đạo Phật thì người chết sẽ sớm đầu thai sang một kiếp khác và không (không thể) nhận bất cứ sự thờ cúng, tiếp tế nào của người sống; còn Kinh Thánh thì chép: 
"Người sống biết mình sẽ chết,
Nhưng kẻ chết chẳng biết gì cả;
Chẳng còn phần thưởng gì cho họ,
Vì kỷ niệm về họ đã rơi vào quên lãng.
Ngay cả sự yêu thương, ganh ghét,
Và sự đố kỵ của họ cũng đều tiêu tan.
Họ sẽ chẳng bao giờ được dự phần gì
Trong mọi việc xảy ra dưới ánh mặt trời." 
Đêm giao thừa hàng năm, nếu có tờ sớ lấy từ Chùa về hoặc khấn trong quyển Văn khấn nôm, anh có biết mình đang khấn ai không? Quan hành khiển là các ông vua Trung Quốc như là : Triệu Vương, Ngụy Vương, Sở Vương v.v...
Tàm tạm chừng ấy thứ nêu trên đã đủ để chúng ta thay đổi chưa anh, hay cứ nhất thiết bỏ qua sự thật mà nhắm mắt làm theo truyền thống mới thật là người tốt? Về phía tôi, tôi nhìn nhận thấy những vấn đề của tục thờ cúng đã lâu rồi, việc tin Chúa chỉ khiến tôi hiểu rõ và thêm quyết tâm để thực hiện sự thay đổi thôi.
Vậy chúng ta sẽ bỏ hết không cúng giỗ gì sao? Không hề như vậy, quan điểm của tôi về ngày giỗ là tốt, nhưng hãy nhìn nhận theo lẽ thật. Sự thật là nó không có ích lợi gì cho người chết cả, nhưng ích lợi cho người sống. Nó là thời điểm để người sống quy tụ lại và tưởng nhớ tới các bậc sinh thành, dưỡng dục, qua đó thêm đoàn kết, gắn bó; đồng thời mang ý nghĩa giáo dục cho thế hệ con cháu uống nước nhớ nguồn. Vì lẽ đó, ta hãy đổi ban thờ gia tiên thành nơi tưởng nhớ gia tiên, trên có thể để ảnh và thông tin về những người thân đã mất. Ngày giỗ, tết trang hoàng đẹp bằng đèn và hoa. Con cháu quây quần ôn lại kỷ niệm xưa, rồi cùng nhau liên hoan ngọt hay mặn nhưng vừa đủ dùng và theo sở thích riêng của từng gia đình. Như thế so với việc anh thắp hương cho không khí ngột ngạt, cúng đồ ăn thức uống cho phè phỡn và ràng buộc người sống phỏng có tốt hơn chăng?
Được vậy tôi mới thấy ngày giỗ ông bà cha mẹ không mang tính hình thức, vô nghĩa anh ạ. Đời nhiều chuyện cười ra nước mắt khi có những đứa con đối xử bất hiếu với cha mẹ lúc sống nhưng đến giỗ chạp thì tổ chức linh đình.
Và một khi người chết không ở trên ban thờ thì nơi nghĩa địa cũng chỉ còn lại thân xác đang hoặc đã tan rã thành cát bụi của họ, vô tri vô giác. Tuy thế, một năm hai lần thăm mộ lại rất hữu ích, và sự hữu ích này xin nhắc lại cũng vẫn chỉ dành cho người sống mà thôi. Thăm mộ ngoài ý nghĩa kết nối người sống, tưởng nhớ người thân đã mất thì nó còn nhắc nhở người sống về sự phải đến của muôn người (dẫu họ là ai). Có câu: không ai biết chắc rằng ngày mai và sự chết cái gì đến trước. Để rồi từ đó mỗi một ngày sẽ được chúng ta sử dụng cách trân trọng và có mục đích hơn.

Gửi người bạn Phật tử,

Mặc dù anh không nói ra, nhưng tôi hiểu anh trách tôi đã 17 năm theo đạo Phật sao không nỗ lực đi nốt phần đời còn lại mà chuyển sang đạo Tin Lành? Phải chăng đạo Phật có gì không tốt? 
Quen nhau đã lâu, anh biết tôi không phải loại người nay thế này, mai thế nọ. Tôi đã theo và tìm hiểu về đạo Phật nếu không được kể là kỹ lưỡng thì cũng chẳng hời hợt chút nào. 
Trong Kinh Kalama, Phật dạy:
"Này các người Kâlâma, đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì Sa môn là thầy mình.
Nhưng này các người Kâlâma, khi nào các người tự biết rõ: Các pháp này là thiện,các pháp này là không đáng chê, các pháp này được người trí khen ngợi, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc an vui, thời này các người Kâlâma, các người hãy đạt đến và an trú."
Mặc dù bây giờ, khi đã là con cái của Chúa, tôi vẫn có thể nói rằng 17 năm theo đạo Phật của tôi không hề vô ích. Nhờ theo đạo Phật, tôi đã cố gắng hạn chế Tham, Sân, Si; biết gìn giữ đạo đức, chung thủy vợ chồng, đối xử tốt với bạn bè, làng xóm; sống có trách nhiệm với gia đình, dòng họ... Cho đến bây giờ, Phật vẫn là một bậc trí giả mà tôi tôn kính.
Tuy nhiên, muốn đoạn trừ tận gốc Tham, Sân, Si thì điều kiện cần mà chính Phật đã làm đó là xuất gia thì tôi không làm nổi. Và việc sống trong một đời thường với những vui, buồn, áp lực, nhàm chán đến từ bản thân, gia đình, công việc nhưng đồng thời phải đè nén tham, sân, si trong một thời gian dài có thể đã gây vấn đề cho sức khỏe tâm lý của tôi. 
Tôi không muốn mô tả quá sâu về vấn đề của tôi, anh chỉ cần biết rằng, đã nhiều lúc tôi nghĩ thà chết còn tốt hơn. Tôi đã phải dùng đến cả bia rượu, dẫu biết rõ bia, rượu chỉ có thể hại người chứ chẳng bao giờ cứu được ai.
Là một Phật tử, chúng ta hiểu rằng Phật không ban phước, giáng họa cho ai nên tôi gần như rơi vào bế tắc. Vào lúc cùng đường, tôi nghĩ đến Chúa, như một phao cứu sinh cuối cùng và trong suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ thì hầu như không có hy vọng. 
Nhưng mầu nhiệm thay, quãng thời gian sau đó là những điều kỳ diệu và ngọt ngào mà Chúa đã ban cho tôi từng ngày, bao gồm cả những phép lạ. Không tả hết bằng văn tự hay ngôn ngữ được đâu, tôi chỉ có thể nói thế này, Chúa đã bảo dưỡng và phục hồi lại tâm hồn tôi, cả thể chất và nụ cười nữa.
Thế rồi tôi gọi Chúa bằng Cha, đến nay được nửa năm. Lúc đầu nói về Cha tôi ngại ngùng lắm, vì trước đây tôi với anh là Phật tử, có bao giờ tin vào thần thánh đâu. Nhưng giả sử lúc anh gần chết mà ai đó cứu vớt cuộc đời anh, giống như là sinh ra anh lần thứ hai thì anh phải làm sao? Hiển nhiên anh sẽ mang ơn và ca ngợi họ mọi lúc, mọi nơi phải không nào? Vậy, nếu bây giờ tôi còn chưa ca ngợi Cha, tôi sẽ thấy mình là một kẻ vô ơn, bất tín. Và đây là lời tôi nói: "Tôi đã tìm thấy một Pháp, Pháp này tôi đang thực hiện và chấp nhận và tôi đang thấy hạnh phúc an vui. Pháp này là Chúa, là Cha chí Thánh của tôi, của chúng tôi". Còn vì sao mà tôi chẳng viết thư này cho anh sớm hơn, thì bởi vì tôi muốn có thêm thời gian để trải nghiệm, để tìm hiểu về Cha, tôi không muốn kết luận vội vàng vì ban đầu bản thân tôi cũng còn nhiều hồ nghi lắm.
Bây giờ thì tôi tự tin để viết cho anh, chẳng bởi tôi đã được cứu, mà còn bởi lời của Cha (Kinh Thánh) thực sự đã là ánh sáng soi đường tôi đi, tôi đã có Đức tin, Hy vọng và sự Bình an.
Như thế, sau nhiều năm, phước cho tôi rằng cuối cùng tôi đã tìm được con đường của mình. Con đường của yêu thương và bình an, con đường của chân lý và sự sống" (Giăng 14:6).
Anh hoặc ai đó có thể sẽ quan tâm tới phép lạ mà Chúa đã ban cho tôi là gì. Nhưng điều đó không quan trọng đâu anh ạ, đó chỉ là cách để Chúa tỏ cho biết quyền năng và sự hằng hữu của Người. Phép lạ có thể thỏa mãn sự tò mò nhưng chẳng bao giờ mang lại bình an thật sự cho con người. Tôi nói "bình an thật sự" vì thứ bình an theo quan niệm của nhiều người, đó là sự đầy đủ vật chất, hưởng lạc, thỏa mãn dục vọng, không có bệnh tật khó khăn gì thì đó không phải là bình an thật sự. Bình an thật sự sẽ không mất đi dù ta ở trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hay có thể nói theo cách này: việc tôi tin Chúa không có nghĩa Chúa sẽ cho đời tôi luôn gặp điều thuận lợi, song Chúa cho tâm hồn tôi luôn được bình an.
Giờ thì tôi tin anh hiểu và mừng cho con đường tôi đã chọn. Phần anh, tôi chúc con đường anh đi sẽ dẫn anh đến hạnh phúc và an vui.  

Vì sao tôi theo Chúa:

Ban đầu:
- Hy vọng được cứu.
- Rất nhiều tổng thống Mỹ tin Chúa: Donald Trump, Obama, George W. Bush..., và Tổng thống Nga Putin...
- Cuốn Kinh Thánh được Tổng thống Mỹ đặt tay lên tuyên thệ khi nhậm chức.
- Nghi lễ của đạo Tin Lành không hình thức, nhưng gần gũi với đời thường.
- Chẳng tốn kém gì.

Bây giờ:

- Kinh thánh soi đường tôi đi và tôi sống có mục đích hàng ngày.
- Lời cầu nguyện của người Tin Lành không theo văn mẫu mà từ đáy lòng mỗi người.
- Tôi có đức tin và dần có bình an thật sự. 
- Khi sống tôi có hy vọng và khi chết tôi cũng vẫn có hy vọng.
- Tôi năng động, yêu quý và đón nhận mọi người.
- Tôi ít quan trọng mình và bớt kiêu ngạo.
- Tôi rất thích câu Kinh Thánh:
"Vì người nào không yêu thương anh em mình thấy thì không thể yêu thương Đức Chúa Trời mà mình không thấy được" (I Giăng 4:20)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

30 NGÀY TRẢI NGHIỆM HERBALIFE

  Tôi 50 tuổi, vài năm gần đây càng ngày chuyển động càng nặng nề, đứng lâu một chút thì bị đau gối và gót, hay mệt mỏi. Cách đây đã lâu, có...