Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ là văn bản chính trị tuyên bố
ly khai khỏi Vương quốc Anh của 13 bang thuộc địa Bắc Mỹ. Tuyên ngôn được đọc
ngày 4/7/1776, nội dung chính của bản tuyên ngôn dựa trên tư tưởng John Locke,
một triết gia người Anh. Theo ông, con người có ba quyền cơ bản không thể bị tước
đoạt là quyền được sống, được tự do và được sở hữu. Quyền sở hữu được Tổng thống
Mỹ Thomas Jefferson đề cập tới trong bản tuyên ngôn là "quyền được mưu cầu
hạnh phúc".
Bản Tuyên ngôn đã truyền cảm hứng cho nhiều bài phát biểu nổi
tiếng khác như của nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King Jr. và Tổng thống
Abraham Lincoln cũng như bản Tuyên ngôn độc lập của một số
nước như Việt Nam, Zimbabwe…
Câu trích dẫn nổi tiếng của bản tuyên ngôn là "Tất cả mọi
người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể
xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền
mưu cầu hạnh phúc".
Xin chào quý vị và các bạn, “lời chào cao hơn mâm cỗ” có
nghĩa ta cần chào trước rồi mới chén, ấy thế mà tôi đã có một vài trích dẫn trước
khi chào quý vị. Xin được nhận là thất lễ và kính chào quý vị một lần nữa để
thay cho lời xin lỗi. Trước khi vào nội dung chính, có một giải thích ngắn nhưng cần thiết rằng trong bài người viết sẽ dùng đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất số ít là "tôi" để chỉ mình và đại từ nhân xưng ở ngôi thứ hai là "bạn" để chỉ người đọc. Điều này không có nghĩa người đọc là bạn hay cùng lứa với người viết và hoàn toàn không có ý bất kính với người lớn tuổi.
Tôi không phải người quan tâm đến chính trị. Việc tôi đưa ra
trích dẫn trên là bởi câu này tồn tại đã hơn 200 năm, được sử dụng trong các
bài phát biểu của một số nhà hoạt động nhân quyền hoặc trong tuyên ngôn độc lập
của vài quốc gia mà chẳng ai chỉnh gì. Điều đó ít nhiều chứng tỏ nó đã chuẩn,
chỉnh là sẽ hỏng. Đồng ý thế nhé? Thế thì về cơ bản tôi và bạn là con người, thế
thì tôi và bạn được quyền MƯU CẦU HẠNH PHÚC (MCHP).
Và để hạnh phúc thì việc đầu tiên bao giờ chả
thế, đó là “tiền đâu”? Ngày xửa ngày xưa khi chưa và kể cả lúc mới lấy vợ, tôi
không nghĩ thế đâu, thề đấy. Tôi có niềm tin sắt đá vào tình yêu, sự cảm thông
tha thứ, một thế giới không cần tiền bạc v.v… Ngoài ra xin bật mí thêm là hồi
bé tí tôi còn có suy nghĩ là các chú công an thì không lấy vợ, họ thiêng liêng
như thể những vị thánh. Mà chả hiểu sao thằng trẻ ranh thế mà lại cho rằng sự lấy
vợ thì phải khiến cho người ta mất đi sự thiêng liêng?
Bây giờ thỉnh thoảng đi đường có lơ đãng mà bị các chú (giờ
là chú em) công an xử lý thì tôi đã đủ nhận thức rằng họ có quyền được MƯU CẦU
HẠNH PHÚC và luôn cảm thông với công việc của họ đồng thời sẵn sàng cho việc nộp phạt. Tuy vậy mấy lần đó họ đều chỉ nhắc nhở và bỏ qua cho tôi đi, điều đấy cũng mang một ý nghĩa nữa
rằng không phải bao giờ MCHP cũng là TIỀN.
Ấy thế nhưng ta đừng vội bay bổng, đồng ý là MƯU CẦU HẠNH
PHÚC không phải lúc nào cũng là TIỀN nhưng chúng ta không thể HẠNH PHÚC nếu
không có TIỀN. OK?
Giờ trở lại chuyện MƯU CẦU HẠNH PHÚC của tôi.
Bỏ qua cái thời trẻ trâu với những vụng dại, ngô nghê, hồn
nhiên, lầm lỗi…Tôi đi luôn vào thời điểm mà vợ tôi “từ giã thơ ngây em đi lấy
chồng”, tất nhiên chồng là tôi với những niềm tin sắt đá về tình yêu và một thế
giới không cần tiền bạc như đã nói trên. Chỉ trong năm đầu tiên của hôn nhân,
không gian huyền ảo của một ái tình lãng mạn sớm bị rung chuyển bởi những nhát
búa mang tên “Thực tế”. Những nhát búa này đã hàng ngày đều đặn như giã bánh dầy,
nó làm mềm nhũn cả sắt đá của niềm tin tôi. Sự lãng mạn trong tôi phải nói là
nó đã thất vọng vì những ứng xử của vợ tôi lắm, phen này chắc tôi phải bỏ vợ.
Thế rồi tôi mang nỗi niềm đó đi tâm sự với mấy ông bạn đã có nhiều năm kinh
nghiệm trong hôn nhân. Kết quả mấy ông "bác sĩ Thanh Tâm" đó đã khám
và phán rằng vợ tôi hoàn toàn bình thường, có nghĩa là giống hệt vợ các ông ấy,
có nghĩa là nền tảng đầu tiên của gia đình nhất thiết phải là tiền đâu.
Đấy, các cụ bảo giầu vì bạn sang vì vợ cấm có sai, ngày đấy
mà lỡ dại bỏ vợ thì bây giờ có mà tiếc hùi hụi.
Vậy là sau khi đã nhận thức được rằng Công an không phải là
Thánh còn Vợ thì không phải là lọ kẹo lạc tôi bắt đầu có một sự MƯU CẦU HẠNH
PHÚC đúng đắn, đó là kiếm tiền. Lại bỏ qua một số giai đoạn đầu của sự nghiệp,
tôi nói luôn vào nghề Piano hiện nay.
Tìm đến được công việc này với tôi là tìm được một may mắn lớn trong cuộc đời. Kinh nghiệm sống cho tôi một bài học rằng may mắn là một thứ gì đó luôn ẩn dấu. Tất nhiên những người đi tìm không phải bao giờ và ai cũng có thể tìm thấy vật muốn tìm, nhưng vật muốn tìm thì chắc chắn chỉ được tìm thấy bởi những người đã luôn cố gắng đi tìm. Nói cách khác may mắn không bao giờ đến với những ai chẳng bao giờ chịu đi tìm nó. Giờ thì công việc này mang lại cho tôi hai niềm hạnh
phúc, hạnh phúc thứ hai là do tôi có được đam mê trong công việc đến mức vợ tôi đùa rằng
Piano là vợ lẽ của tôi, thế còn vị trí đầu tiên vẫn thuộc về đồng chí tiền đâu. Không có hạnh phúc đầu tiên này thì xin lỗi
những nhà lãng mạn học (nếu có) nhé, bói đâu ra hạnh phúc thứ hai.
Nhiều năm trong nghề, quả thực đã có không ít khách hàng khiến
tôi cảm thấy ái ngại. Họ dành cho tôi sự trân trọng đến mức tôi cảm thấy việc
bán hàng và lấy tiền lãi của họ (là một việc hết sức bình thường) lại như là một
việc gì đó có lỗi. Có lần tôi đã tâm sự với một trong số những khách hàng về việc
đó, và hỏi thẳng theo chú tôi lãi được bao nhiêu tiền từ cây đàn của chú? Chú bảo
“em chỉ đoán thôi nhé, chắc là được khoảng x triệu đồng”, chú đoán suýt soát
đúng. Tôi hỏi có xứng đáng không chú? Chú bảo : “cá nhân em thấy hoàn toàn hài
lòng”. Tôi gặng thêm: “lãi thế có nhiều quá không chú”? “Nhiều gì, một tháng
anh bán được x cây đàn, nhân lên với x triệu đồng, so với mặt bằng chung của xã
hội thì đã là gì mà nhiều, nhưng mà anh phải làm cho nó xứng đáng, và em thấy xứng
đáng” – Chú đáp.
Thế có nghĩa là trong việc mua bán cây đàn đó, tôi với chú
cùng MƯU CẦU HẠNH PHÚC. MCHP của chú là mua được cây đàn tốt cùng với những tư
vấn khách quan, trung thực của người bán hàng. Còn MCHP của tôi là kiếm được một
số tiền và qua việc bán cây đàn thì tôi có được công việc làm mà mình yêu
thích. Tôi đem lại cho chú cái chú cần và nhận của chú thứ tôi muốn, thế là OK.
Xin được mạn đàm một chút về nguyên tắc CHO – NHẬN. Ở đời chẳng
ai cho không ai cái gì, tất nhiên không kể đến việc cha mẹ cho con cái hay là
miếng pho mát ở trong cái bẫy chuột. Thế có nghĩa là khi anh muốn NHẬN của ai một
cái gì thì anh phải CHO họ một cái gì đó tương tự. Nguyên tắc của tôi là cố gắng
đáp ứng (CHO) khách hàng ở mức cao nhất những mong muốn hợp lý của họ về sản phẩm
mà họ mua của tôi, nó phải tương xứng với số tiền mình đã (sẽ) NHẬN từ họ. Và
đó cũng là lý do mà tôi phải tính toán thật kỹ trước khi đưa ra giá bán sao cho
việc CHO – NHẬN phải thật là tương xứng.
Sự CHO – NHẬN trong mua bán hàng hóa ở mỗi nơi là có khác
nhau. Chính sự khác nhau này tạo thành văn hóa. Cụ thể là khi khách hàng muốn
mua một mặt hàng gì đó thật rẻ (CHO thật ít) và yêu cầu nó phải tốt, đẹp, ngon
(NHẬN thật nhiều) thì sự CHO – NHẬN lúc này là mất cân xứng và người bán sẽ phải
làm cho nó trở thành cân xứng bằng nhiều phương pháp từ tích cực cho đến tiêu cực
như sản xuất bằng nguyên vật liệu kém phẩm chất, cắt giảm quy trình, rút ruột,
cân điêu v.v…và văn hóa mua bán chụp giật, thiếu niềm tin, thậm chí là mất hết
cả đạo đức, nhân tính dần dần được hình thành ở những nơi mà số lượng khách
hàng có những ý muốn như đã nói trên chiếm phần đa.
Tôi vẫn nói với khách hàng của mình và chính bản thân mình,
rằng tôi là người kinh doanh, không phải con buôn. Khác nhau chỗ nào? Con buôn
thì chỉ cần lợi nhuận, mặt hàng này đang chạy, nhanh nhanh buôn về nhiều, gặp
gà thì chém thật lực, mềm nắn rắn buông, miễn trôi hàng, quay vòng vốn nhanh, mắt
la mày liếm, ăn nói linh hoạt, cơ động biến hóa. Kinh doanh thì cần chiến lược
dài lâu, xây dựng thương hiệu, có giá trị cốt lõi, trọng uy tín, coi lợi ích của
người tiêu dùng gắn liền với lợi ích của doanh nghiệp, tạo ra công ăn việc làm
cho xã hội… Vì thế điều tôi muốn không bao giờ chỉ đơn thuần là làm thế nào để
bán được cây đàn mà làm sao để cái tên Pianonet được ở trong lòng khách hàng với
niềm tin yêu. Và niềm tin yêu này làm sao đủ lớn để các thế hệ con cháu tôi còn
được thừa hưởng và phải tiếp tục vun đắp.
Cũng phải nói thật là đôi khi tôi cũng lung lay khi có ai đó
trả giá, bớt cho em x triệu nhé? Nếu là con buôn, điều đó thật đơn giản, tôi chỉ
cần điều chế cái CHO mà mình đang nắm trong tay để nó tương xứng với cái NHẬN
(Giá bán – x triệu mặc cả) là xong. May mà cho đến nay tôi vẫn chưa phải là con
buôn. Biết rằng mặc cả đã là thói quen mua bán của nhiều người Việt Nam, nhưng
hãy nghe tôi nhé, người bán không bớt gì cho bạn đâu, họ sẽ ĐIỀU CHẾ bằng mọi
cách để sản phẩm, dịch vụ của họ tương xứng với những gì họ NHẬN được từ bạn.
Và bạn đừng quên rằng, ở trong bất cứ thương vụ nào, khi người mua và người bán biết cân bằng
quyền lợi của nhau (sự CHO – NHẬN tương xứng), khi đó các bạn là đối tác. Ngược
lại các bạn sẽ là đối thủ. Khi các bạn là đối tác, các bạn được hưởng lợi từ
nhau, còn khi các bạn là đối thủ, các bạn sẽ lừa miếng để hạ gục nhau, đáng tiếc
là trên võ đài buôn bán thì thế thua luôn ở phía khách hàng.
Một xã hội với nhiều đối thủ hơn là đối tác thì hệ lụy của nó đương nhiên là thực phẩm độc hại; văn hóa suy đồi; sản phẩm hàng hóa kém chất lượng; con người ngày càng thực dụng, láu cá; số người tốt cũng phải khép mình giữ lấy an toàn bản thân, dần thành vô cảm. Quả là bức tranh tối mầu.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, xin chúc các Doanh nghiệp có được sự ổn định và phát triển tốt. Cơ sở để chúng ta tồn tại là dựa trên các giao dịch mua bán, hôm nay chúng ta là người mua thì ngày mai chúng ta lại là người bán. Vì vậy xin hãy tôn trọng nguyên tắc CHO - NHẬN để dù ở cương vị nào chúng ta cũng sẽ được hưởng lợi từ nhau, cùng nhau lớn mạnh.
Một xã hội với nhiều đối thủ hơn là đối tác thì hệ lụy của nó đương nhiên là thực phẩm độc hại; văn hóa suy đồi; sản phẩm hàng hóa kém chất lượng; con người ngày càng thực dụng, láu cá; số người tốt cũng phải khép mình giữ lấy an toàn bản thân, dần thành vô cảm. Quả là bức tranh tối mầu.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, xin chúc các Doanh nghiệp có được sự ổn định và phát triển tốt. Cơ sở để chúng ta tồn tại là dựa trên các giao dịch mua bán, hôm nay chúng ta là người mua thì ngày mai chúng ta lại là người bán. Vì vậy xin hãy tôn trọng nguyên tắc CHO - NHẬN để dù ở cương vị nào chúng ta cũng sẽ được hưởng lợi từ nhau, cùng nhau lớn mạnh.
Vũ Hiệp
Những suy ngẫm của Vũ Hiệp nêu ra thì có nhiều điều hay và đúng. Nhưng trích dẫn tuyên ngôn Mỹ và cho là nó đã chuẩn, chỉnh là hỏng, thì tôi không đồng ý. Đừng nghĩ cứ Mỹ là đúng, cứ tiền là tiên. Vui mà, thử cùng tôi nhìn nhận lại nhé. Không nặng nề gì cả, chỉ là trao đổi cách nghĩ thôi.
Trả lờiXóa"Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" là câu chung chung và sai bét nhất trong tất cả những câu mà mọi người cứ nghĩ là đúng nhất.
Chữ tạo hoá có chỗ dịch là "Thượng đế". Đã là Tạo hoá (Thượng đế) ban cho và lại nhấn mạnh "không ai có thể xâm phạm được" thì điều đó phải thành luật thiêng và không ai có thể vi phạm, không ai dám vi phạm. Nhưng thực tế những cái gọi là quyền không thể xâm phạm ấy thì luôn bị xâm phạm, xâm phạm một cách thô bạo, lâu dài, thậm chí được công khai, được pháp luật bảo vệ...."Quyền được sống"?: từ hàng ngàn năm nay con người chém giết nhau, tự đề ra luật cho phép tước đoạt mạng sống của nhau...còn "quyền tự do" là gì? Thế giới văn minh nhất cũng chỉ là tự do trong khuôn khổ pháp luật do con người lập ra, con người làm gì có tự do một cách chung chung kiểu "Tạo hoá ban cho"?. Còn quyền mưu cầu hạnh phúc? chính quyền này phản lại những quyền kia, có kẻ mưu cầu hạnh phúc bằng cách tước đoạt của cải, thân thể, tự do, thậm chí mạng sống của người khác.
Thật ra Thượng đế chỉ cho con người duy nhất 1 quyền (mà có thể không ai xâm phạm được), đó là QUYỀN LỰA CHỌN. Người khác có thể tác động rất mạnh nhưng bản thân con người ta có quyền lựa chọn cuối cùng. Bạn có thể thuyết phục rất nhiều, hàng của bạn rất tốt, nhưng họ không mua hàng, người khác có thể dí súng vào đầu nhưng người ta không đầu hàng, ngay cả trước cái chết người ta vẫn có sự lựa chọn, chết hiên ngang hay hèn kém, chết nhắm mắt hay mở mắt, hô hay không hô, hét hay rên rỉ...Chỉ có QUYỀN LỰA CHỌN là quyền duy nhất Thượng đế ban cho con người. Khi mới sinh ra, đứa bé đã biết lựa chọn, nó rúc ngay vào vú mẹ, nó kêu khóc và nín ngay khi có mẹ nó, chỉ mẹ nó thôi. Đứa không có mẹ thì lại lựa chọn khác, nó hài lòng với cái gì có được chứ không gào thét mãi trong vô vọng đòi quyền mưu cầu hạnh phúc. Lớn lên nó lựa chọn, lựa chọn và lựa chọn. Nó biết lựa chọn an toàn cho bản thân chứ không lao ra thách thức vì nghĩ mình được Thượng đế ban cho quyền sống, tự do...Mạng sống, tự do hay hạnh phúc là kết quả những LỰA CHỌN của nó chứ chẳng ai ban cho.
Bạn có hạnh phúc ngày hôm nay là do bạn đã LỰA CHỌN "không bỏ vợ" và "nghề piano". Chúc bạn tiếp tục có những lựa chọn tuyệt vời như vậy.
Lựa chọn biện pháp xâm phạm mạng sống của người khác một cách công khai: "tử hình", lựa chọn tự xâm phạm mạng sống của chính mình: "tự tử"...sao lại nói là không ai có thể xâm phạm được?????
Trả lờiXóaLẽ ra tuyên ngôn Mỹ nên viết như thế này: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ nhiều quyền; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, mọi người phải luôn cố gắng bảo vệ những quyền đó".
Trả lờiXóaCảm ơn bác Bất Kỳ đã đọc bài và chia sẻ nhận xét của mình. Tôi xin được gọi bác là bác "BẤT KỲ" vì bác không để lại quý danh, còn ý nghĩa của nó là viết tắt của việc bác BẤT đồng quan điểm với trích dẫn của Tuyên ngôn độc lập Hoa KỲ.
Trả lờiXóaBác Bất Kỳ kính mến, như bác thấy đấy, tôi đã viết là "... chỉnh là sẽ hỏng. Đồng ý thế nhé?". Điều này có nghĩa tôi không khẳng định, tôi hỏi các bác. Và các bác có quyền lựa chọn, lựa chọn của bác Bất Kỳ là không đồng ý, tôi tôn trọng.
Về quan điểm của bác Bất Kỳ đã chia sẻ ở trên, tôi không hoàn toàn đồng ý, không hoàn toàn thôi nhé. Nhưng nó đáng suy nghĩ, tôi thích và thật lòng mời bác nếu ở Hà Nội thì hôm nào rảnh ghé Kim Mã chơi anh em đàm đạo cho vui và tôi có cơ hội được học hỏi thêm.
Nhận xét viết lúc 18:17 ngày 21/10/2014 về việc chỉnh sửa Tuyên ngôn độc lập Mỹ có lẽ cũng là của bác? Tôi thấy hay, nước nào chuẩn bị tuyên ngôn độc lập mà có đọc Blog của tôi thì tôi đề xuất sử dụng câu này.
Vũ Hiệp
Rất tiếc tôi không ở Hà nội. Tôi thích piano nên đã vào pianonet.vn và vào blog của bạn. Tôi thấy ở đó có những điều chân thật đáng trân trọng.
Trả lờiXóaTôi đã suy nghĩ về câu trích dẫn này và đã cố gắng tìm hiểu ý nghĩa thật sự của nó. Tôi cũng đã trao đổi với một số bạn bè nhưng ít người có hiểu biết hoặc/và hứng thú với triết lý vĩ mô, họ quan niệm việc phản bác lại những gì uyên bác nổi tiếng đã định hình hàng trăm năm là 1 việc điên rồ lẩn thẩn.
Thấy bạn nói đến trích dẫn này nên tôi lao vào ngay, cả 3 comment đều là của tôi.
Nếu chỉ đọc câu trích dẫn này thì có thể hiểu sai. Nếu hiểu: con người sinh ra đã được ban cho nhiều quyền không ai có thể tước đoạt, cứ thế mà hưởng, cũng như Việt nam rừng vàng biển bạc, cứ thế mà phá thì rất nguy hiểm.Việt nam mình đã bị câu trích dẫn cắt đầu cắt đuôi này lừa bao nhiêu năm nay.
Câu trích dẫn này phải hiểu theo tinh thần của toàn bộ Tuyên ngôn 1776 và cả hoàn cảnh, sự kiện liên quan.
Ý nghĩa thật sự của câu này phải hiểu là sự thống nhất CÔNG NHẬN ba quyền căn bản thiêng liêng của mỗi con người không ai được xâm phạm và thống nhất PHẢI BẢO VỆ những điều đó.
Câu sau nó là thế này:
"...để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong Nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của Nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì Nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ..."
Bác Bất Kỳ (BK) muốn lôi anh em vào khu rừng rậm chính trị chơi với bác à? Xin bác ! A Hiệp đã nói không quan tâm đến chính trị, hãy để anh ấy toàn tâm toàn trí với piano và gia đình, bác BK nhé.
Trả lờiXóaXin lỗi đã làm phiền Vũ Hiệp và các bạn,
Trả lờiXóaTôi chỉ muốn một lần nữa được tâm sự với các bạn: Trong tự nhiên, không khí vô cùng quan trọng, nhưng bình thường chẳng ai để ý đến. Người nông dân sống bao nhiêu năm chỉ lo cơm áo gạo tiền chứ ai rỗi hơi lo không khí. Đến khi thấy mình và các con hay hắt hơi sổ mũi, bệnh tật tăng lên, thì nghĩ do khí hậu thay đổi...không biết rằng rừng bị tàn phá, hàng loạt khu công nghiệp mọc lên, đến khi nhà máy xi măng, hoá chất mọc ngay gần thì hoảng hốt, nhưng đã muộn.
Trong xã hội, chính trị như là không khí trong tự nhiên, nó quan trọng, rất quan trọng, ảnh hưởng đến mọi mặt cuộc sống, nhưng ít ai để ý, có thể nhiều người chẳng nghĩ đến nó, nhưng bữa cơm ta ăn, nước ta uống...thức ăn độc hại, môi trường độc hại, xã hội bất an...là chính trị. Những kẻ độc tài rất thích ngu dân, đe doạ để người dân không quan tâm đến chính trị, để bọn chúng có thể tự tung tự tác.
Ở những nước châu Âu, Mỹ, Úc...những nước có đời sống cao, người dân rất qua tâm đến chính trị, họ phản đối hay đồng tình với chính phủ một cách rất rõ ràng, công khai...Các bậc cha mẹ ông bà họ đã tranh đấu cho con cháu một hệ thống xã hội tốt đẹp, và họ hết lòng gìn giữ. Người Việt nam mình thấy mà thèm, bao nhiêu thanh niên tài giỏi hoặc giầu có bỏ đi Âu, Mỹ....mình mơ ước con cháu mình có được một xã hội như thế.
Cho mình hay cho con? Bạn không cần phải làm chính trị nhưng quan tâm và tìm hiểu về nó là cần thiết, có thể không có ích cho bản thân bạn, đã quá muộn, nhưng có ích cho con cháu bạn, hãy nghĩ đến tương lai của con cháu chúng ta, hãy nghĩ rằng mình có thể góp sức, dù nhỏ, để con cháu mình được sống trong một xã hội tốt đẹp hơn.
Một lần nữa xin lỗi Vũ Hiệp, chúc bạn thành đạt, hạnh phúc.
BẤT KỲ
Kính gửi bác Hiệp,
Trả lờiXóaĐã lâu rồi kể từ khi mua đàn của bác em không quay lại bog của bác. Hôm nay quay lại ngó nghiêng thì em quyết định để lại vài dòng với bác.
Nói thực là em quyết định mua đàn của bác vì đặt niềm tin ở blog của bác cũng như đánh giá cao những thông tin trên web do bác cung cấp.
Giờ đây sau hơn 3 năm sử dụng cây đàn Yamaha upright mua của bác, con gái em đã không còn sử dụng đến nó nữa.
Bác thông cảm nhé!
Lý do cháu không sử dụng nữa vì hiện nay trình độ của cháu đã phải thực hiện luyện tập trên cây đàn grand.
Đọc đến đây chắc bác đã thấy mừng hơn rồi nhỉ. Em xin chân thành cảm ơn những lời tư vấn của bác, không chỉ trong việc mua đàn, mà còn cả việc làm thế nào để con theo đuổi lâu dài, mà đến giờ em vẫn thấy rằng nó vô cùng hữu ích. Từ việc lựa chọn giáo viên phù hợp ở những bước khởi đầu, muốn con học đàn nghiêm túc trước tiên bố mẹ phải có suy nghĩ nghiêm túc về việc học đàn, học đàn không chỉ bao gồm HỌC mà còn phải cả HÀNH (bao gồm THỰC HÀNH và HÀNH HẠ :)).
Từ chỗ không hề tự tin vào việc con có học đàn được hay không, vì gia đình em chả ai biết gì về nghệ thuật, còn sợ mua cây đàn là lãng phí, giờ đây em đã khá nở mày nở mặt với bàn dân thiên hạ nhờ khả năng chơi đàn của con gái em. Năm nào các cháu cũng có 1 vài giải thưởng piano nho nhỏ để bày trên nóc tủ cho đẹp nội thất.
Còn cây đàn của bác đã được em chuyển nhượng sang 1 gia đình người bạn. Tài sản bàn giao không chỉ bao gồm cây đàn và phụ kiện đi kèm, mà còn có cả đường link blog của bác cùng các tư vấn kinh nghiệm. Em rất vui vì chủ nhân hiện tại của cây đàn này cũng đang có những bước tiến bộ rõ rệt.
Vì vậy hôm nay em có đôi dòng gửi lại bác ở đây. Chúc bác tiếp tục ăn nên làm ra và tiếp tục gặp được nhiều khách hàng như em.
Chào bác.
Em
Cảm ơn Linh, em đã đọc Blog và mua đàn của anh, chừng đó đã làm cho anh vui lắm rồi, tưởng sẽ đường ai nấy đi vì thực sự anh cũng không nhớ nổi em là ai trong số những khách hàng yêu quý của mình. Thể mà hôm nay em trở lại, không với tư cách của người đi mua hàng nữa, chỉ là ghé thăm và kể cho nhau nghe một vài câu chuyện, dành cho nhau những lời tốt đẹp. Anh vui mừng vì cháu đã được những bước tiến, những phần thưởng và điều đó làm em nở mày nở mặt. Đồng thời, anh cũng lưu ý em về áp lực đằng sau những giải thưởng nhé. Một chút áp lực bao giờ cũng là cần thiết nhưng rất nên để nó trong tầm kiểm soát để con trẻ còn sự hồn nhiên. Chúc em và gia đình luôn được hạnh phúc và hy vọng em sẽ còn trở lại đây một ngày nào đó trong tương lai.
Trả lờiXóa