Trước khi đi vào nội dung chính, xin chân thành cảm ơn kỹ sư Don Affleck (Chilliwack, British Columbia, Canada), và đặc biệt cảm ơn kỹ sư Jamie Musselwhite (Toronto, Onratio, Canada), người mà tôi không chỉ coi như người thầy dạy chuyên môn mà còn là người thầy trong cuộc sống. Tôi chẳng những đã học được từ ông những kỹ năng quan trọng trong việc căn chỉnh đàn Piano mà hơn thế còn là sự trung thực, niềm say mê lao động, lòng nhiệt tình với bạn bè, đồng nghiệp và cả với những người không hề quen biết...
Năm 2002 vì quyết định cho con theo học Piano nên tôi đi tìm mua đàn. Mặc dù có sự hỗ trợ của chị giáo viên Piano rất tốt, không vụ lợi, nhưng kết quả vẫn mua phải cây đàn không ưng ý, đổi đến lần thứ ba mới được, từ đó tôi quyết tâm theo nghề Piano.
Sau khi học nghề với một số thợ kỹ thuật Piano trong nước, nhận thấy luồng kiến thức của họ đa phần do truyền tay và kinh nghiệm chứ không có cơ bản nên tôi đã theo học kỹ thuật Piano từ nguồn tài liệu quốc tế, đồng thời nhập khẩu Piano từ Nhật về Việt Nam. Tiếp đó tôi theo học chương trình kỹ thuật Piano chuyên sâu dưới sự hướng dẫn của 2 thầy kể trên.
Vài dòng của tôi với người đọc:
Đa số người đi tìm mua đàn Piano có ít kinh nghiệm hoặc kiến thức về lĩnh vực này và hầu hết họ đều tỏ ra lo ngại. Do vậy, họ thường nhờ tới những người giáo viên Piano và cho rằng việc này có thể giúp ích cho họ trong việc chọn được cây đàn tốt.
Thực tế, sở trường của giáo viên Piano là biểu diễn và giảng dạy Piano. Cơ bản, họ không thể biết cái đàn có còn nguyên bản không, dây đàn có từng bị đứt, nối ở đâu không, đã có linh kiện nào bị thay thế chưa, và nếu có thì linh kiện thay thế có đúng chủng loại không, chất lượng như thế nào v.v...
Những kiến thức đó thuộc về lĩnh vực kỹ thuật và hiểu biết của giáo viên Piano về nó cũng tương tự như hiểu biết của bạn và tôi về máy móc của một chiếc xe máy. “Tôi đã điều khiển tốt xe máy gần 30 năm nay và thú thực là tôi không hiểu gì về máy móc của nó cả”, nếu ai đó nhờ tôi đi chọn một chiếc xe máy cũ, tôi sẽ nói với họ như vậy.
Một cây đàn Piano đã qua sử dụng phải được lựa chọn dựa trên 4 yếu tố cơ bản:
1. Nguồn gốc xuất xứ: Đàn được sản xuất tại đâu, đối với khí hậu nóng ẩm của nước ta, đặc biệt là khu vực phía Bắc thì nên ưu tiên đàn sản xuất tại Nhật.
2. Giá trị xuất xưởng của sản phẩm: Giống như xe máy, không phải cứ Honda là cao cấp. Honda có sản phẩm rẻ tiền là Wave, có sản phẩm đắt tiền là SH. Đàn Piano cũng vậy. Hãy ưu tiên những cây đàn có giá trị xuất xưởng cao, không nên quá tập trung vào Yamaha.
3. Giá trị còn lại của sản phẩm: Giá trị này phụ thuộc rất nhiều vào tần suất sử dụng và điều kiện bảo quản của chủ cũ. Năm sản xuất không phải luôn đóng vai trò quyết định. Ví dụ một cây đàn 10 tuổi nhưng được sử dụng trong Nhạc viện để cho sinh viên tập thì sẽ cũ hơn một cây đàn 30 năm tuổi mà được sử dụng trong gia đình.
4. Phương pháp căn chỉnh: Đàn Piano cơ chủ yếu được sản xuất từ gỗ, dạ nên các chi tiết đó bị tác động và thay đổi bởi thời tiết. Đàn cũ phải được căn chỉnh. Căn chỉnh đúng quy trình và có giới hạn là việc thiết yếu, giúp cho các linh kiện đã chai cũ được thay thế, các chi tiết sai lệch được cân chỉnh. Cây đàn được tối ưu, với tần số cao độ chính xác, hệ thống phím đàn đáp ứng tốt yêu cầu của người chơi. Căn chỉnh đàn Piano cơ theo chuẩn quốc tế là một việc nhất thiết phải làm nhưng không dễ làm, người chưa được đào tạo hoặc chưa đủ kinh nghiệm còn có thể khiến cho cây đàn trở nên tệ hơn.
Đã từng là người đi tìm mua Piano cho con, tôi hiểu những lo ngại của các bạn, vì thế tôi đi vào công việc này. Mong rằng sức nhỏ của tôi có thể giúp các bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét