Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Noel 2009

Thư của Na gửi Ông già Noel: 
"Cháu chào ông già Noel!
Ông còn nhớ cháu không? Cháu là ... đây. Dạ (dạo) này, ông có khỏe không? Mấy ngày nay nhờ chị ... (gia sư), môn toán cháu toàn được 9 và 10 điểm, rất giỏi đúng không ông? Và một điều nữa, cháu muốn khoe với ông, ở nhà, cháu thường giúp mẹ làm bếp đấy! Cháu có ngoan không ông? Cháu có xứng đáng được nhận quà không ạ? Nếu cháu được nhận quà thì cháu mong cháu được một cái móc chìa khóa hình một cô bé. Cuối cùng, cháu muốn ông gửi hộ cháu một lời chúc đến các bạn miền Trung. Đó là: "Chúc các bạn thoát khỏi cảnh nghèo đói, lũ lụt."
Thôi, cháu cũng hơi mỏi tay rồi. Cháu chào ông! Mong ông mạnh khoẻ. Chúc ông một giáng sinh vui vẻ.
Cháu của ông"

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2009

Ngày vui !

 
Đã lâu không có được cảm giác như vậy, nó gần như cái cảm giác trong ngày cưới của mình: lâng lâng, cảm động, sung sướng, bốc đồng, ngẩn ngơ...
Suốt từ sáng mình chẳng ăn gì, trưa cũng không ăn, chỉ uống: trà mạn và bia. Nhưng không say, không mệt, không cồn cào; Chỉ vui, ngắm nhìn những người thân yêu và rất vui.

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2009

Mâu thuẫn !





Một ông bạn thân đưa một ông bạn đồng nghiệp đến xem đàn (nay gọi tắt ông này là BB, tức là Bạn của Bạn). Tôi tiếp chuyện, BB tin cậy và đồng ý mua đàn, tôi phấn khởi (dĩ nhiên là như vậy). Nhưng chợt nghĩ vì là Bạn của Bạn nên phải cẩn thận để tránh hiểu lầm sau này và do vậy có một đoạn hội thoại như sau:
-          Tôi : Anh nên xem thêm một số nơi khác, đừng quyết định mua vội vì Đàn đã qua sử dụng tuy cùng một loại nhưng giá có thể chênh lệch đến vài trăm đô. Anh mua bây giờ lỡ sau này ai không biết có thể đánh giá đắt rẻ và như vậy sẽ ảnh hưởng tới bạn tôi là người đã giới thiệu anh.
-          BB : Không cần thiết đâu, anh em cả nên tôi tin cậy và không cần phải xem xét gì thêm nữa.
-          Bạn tôi :  Ông bạn tôi đây thì anh có thể hoàn toàn tin tưởng nhưng nếu cần anh cứ xem thêm cho thoải mái.
* Cùng lúc đó Vợ của BB cũng đến, lắng nghe, bày tỏ sự tin tưởng sau đó 2 vợ chồng cùng bạn tôi ra xe đi về (họ không ở Hà Nội) cùng một số lời tạm biệt xã giao (tất nhiên hội thoại còn đề cập tới một số vấn đề khác nhưng tôi chỉ trích những câu liên quan).
Việc mua bán đàn tạm treo ở đây và chưa biết rồi sẽ thế nào (có thể họ sẽ mua hoặc không mua nữa còn tôi thì vẫn tin tưởng về khía cạnh tích cực) nhưng lòng tôi thoáng buồn vì lẽ ra nếu tôi không một mực giữ ý thì "nắm xôi" đã nằm trong tay (vì có câu: thà nhận nắm xôi ngày hôm nay còn hơn lời hứa về một mâm cỗ ngày mai). Nhưng thôi, được cái "lọ" thì mất cái "chai". Buồn thì vẫn buồn nhưng tôi nghĩ nếu có lần thứ hai tôi vẫn sẽ làm như vậy. Mong đừng ai mắng tôi "NGU" (đặc biệt là vợ tôi) nhé vì đời việc gì đến sẽ đến, cứ sống cho đúng thì Trời sẽ không phụ.
* Nhưng nói thật là vẫn hơi buồn, khổ thế !

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2009

To the WIFE



Vợ thân yêu!
Anh viết thư cho em vào ngày hôm kia nhưng không xong, cứ nghĩ chiều  hôm qua là có thể gửi cho em được nhưng rốt cuộc phải đến hôm nay mới thực sự hoàn thành. Lúc đầu anh muốn viết tay và anh đã viết tay, sau khi hoàn thành sợ em khó đọc và tránh bẩn thỉu nên anh đánh máy cho rõ ràng. Mặc dù có một số công việc quan trọng cần giải quyết nhưng anh nghĩ rằng việc viết thư cho em là quan trọng hơn và như thế mong em hiểu sự việc này đối với anh nghiêm trọng như thế nào. Và bởi vì lời nói không thể diễn đạt hết điều anh suy nghĩ nên anh chọn cách viết thư, hơn nữa ta cũng đã nói với nhau nhiều lần rồi.
Gần đây, anh thấy quan hệ của hai vợ chồng mình rất kém. Anh đã cố gắng nhưng không mấy hiệu quả. Để anh nói cho em thấy những việc mà anh nghĩ:

Nhân Quả



Tối đang xem TV. Anh con trai không biết nghĩ gì hỏi bố: "Trước khi sinh ra thì con ở đâu, khi sắp sinh thì con như thế nào, thấy gì, nghĩ gì... Sao con chẳng nhớ chút nào về việc đó nhỉ? Mà sao người ta lại phải chết nhỉ... !?"
Tôi là Phật tử, được đọc, nghe giảng Pháp nên cũng hiểu một chút (rất ít), may mà đề tài này lại trúng ngay vào cái mà tôi đã học được nên mới giúp ku cậu sáng tỏ ít nhiều. Nhân tiện đưa lên đây chia sẻ cùng các Bác coi như một câu chuyện của 2 bố con tôi. Chuyện như sau:

- Con hỏi: "Câu hỏi như ở trên đấy ạ"
- Bố trả lời: "Này con trai, Ông Phật mà bố vẫn tôn thờ là nhân vật có thật trong cuộc sống. Hơn 2500 năm trước, Người là Thái tử Tất Đạt Đa. Tuy ở ngôi tôn quý nhưng Người sớm hiểu những nỗi khổ của cuộc đời như Sinh, Lão, Bệnh, Tử, Cầu bất đắc khổ (Muốn mà không đạt được), Ái biệt ly khổ (phải xa lìa những người thân yêu), Oán tắng hội khổ (phải gặp gỡ, hợp tác với những người mà mình ghét)... nên quyết tìm đường giải thoát. Cha Người là Vua Tịnh Phạn ngăn cản. Người đề nghị Cha giải đáp cho 4 điều, nếu không được thì xin hãy để Người ra đi. Đó là : 1. Người ta từ đâu mà sinh ra; 2. Người ta sẽ đi về đâu; 3. Làm thế nào để Người ta trẻ mãi không già ; 4. Làm thế nào để ai nấy đều hạnh phúc. Vua Cha đã không thể trả lời được.
Người đi tìm thầy học đạo. Chứng được Vô sở hữu xứ, được Phi phi tưởng xứ là đã được an định vô cùng, hạnh phúc vô cùng nhưng thiết nghĩ những điều sở cầu vẫn chưa giải đáp được nên quyết tâm phải tiếp tục tìm tòi. Qua một quá trình tu tập có khi sai đường (tu khổ hạnh), một hôm đi đến gốc cây Bồ Đề, Người phát nguyện sẽ không rời khỏi đây nếu chưa tìm ra con đường giải thoát. Sau 49 ngày đêm Thiền định, Người chứng được Túc Mạng Minh (thấy được vô số kiếp luân hồi của mình trước đó). Tiếp đến Người chứng được Thiên Nhãn Minh (như người ở trên lầu cao nhìn xuống, thấy vô số chúng sinh nhận Quả báo mà đầu thai vào các cõi). Sau cùng Người Chứng được Lậu Tận Minh, ra khỏi Luân hồi, thấy biết mọi thứ đúng như thật, hoàn toàn Giải thoát và trở thành Phật (Budha) Thích Ca Mầu Ni.
Như vậy, theo Phật dạy: Chúng sinh cứ sinh, tử luân hồi hết kiếp này đến kiếp khác. Tuỳ theo Nghiệp mà sinh vào từng cõi (gồm 6 cõi : Cõi Trời, Cõi Người, Cõi Atula, Súc Sinh, Ngạ Quỷ, Địa Ngục). Mà Nghiệp được tạo thành từ những hành động, lời nói, ý nghĩ. Chúng sinh tạo Nghiệp lành sẽ được sinh vào cõi lành (mầu xanh) và ngược lại thì sinh vào cõi ác (mầu đỏ). Điều này chính là một phần của Luật Nhân - Quả.
Luật Nhân - Quả thật là tuyệt vời và rất công bằng, khoa học. Nói về điều này cần nhiều thời giờ, bút mực. Nhưng ta có thể quan sát như sau: Tại sao có Người luôn gặp may mắn và ngược lại. Có người luôn nhàn nhã mà vẫn sung sướng còn có người thì đầu tắt mặt tối cả đời chẳng đủ miếng ăn. Có Người bệnh tật khổ đau, tai nạn hay dung mạo xấu xí - Có người mạnh khỏe hạnh phúc, xinh đẹp...
Cái này theo luật Nhân Quả giải thích thì những người hạnh phúc, may mắn là do Phước (Nghiệp tốt) tích luỹ ngay từ đời này hoặc từ tiền kiếp còn những người bất hạnh thì do đời này hoặc đời trước gieo Nghiệp xấu nên giờ phải trả nghiệp. Ta ví dụ thế này: Giả sử mặn là nghiệp xấu thì mỗi khi làm, nói, nghĩ một việc xấu ta sẽ tích được một hạt muối ở trong cái lu (chủng tử nghiệp) . Việc càng xấu nhiều thì ta sẽ càng trữ được nhiều muối. Cứ càng mặn thì đời ta sau này càng khổ: gặp nhiều điều không may mắn, đầu thai vào các cõi ác, dung mạo xấu xí hoặc ngay đời hiện tại cũng gặp nhiều điều không tốt...Ngược lại càng nhạt thì Phước càng nhiều, sau này sẽ được sinh vào các cõi lành. Đời này và đời sau được hưởng nhiều may mắn, hạnh phúc...
Thế điều gì xảy ra khi mỗi khi ta làm, nói, nghĩ những điều tốt? Mỗi lần như vậy ta sẽ được một chút nước, nước này đổ vào lu và làm muối loãng ra. Càng nhiều việc tốt thì nước vào lu càng nhiều, khiến cho muối loãng ra, nước nhạt đi và đương nhiên hạnh phúc sẽ đến.

Thế sao có những người làm nhiều điều tốt mà vẫn gặp bất hạnh? Không có gì là lạ, đơn giản vì trước đó hoặc những kiếp trước đó họ đã bỏ quá nhiều muối vào trong lu mà thôi. Vậy ta hãy gắng thực hiện nhiều việc tốt để đổ thật nhiều nước vào lu. Ít nhất điều này sẽ giúp giảm đi hiểm nguy nếu trước đó chúng ta đang trót sở hữu một cái lu đầy muối mà không biết.
Và cuối cùng, con trai ạ, con hãy hàng ngày, hàng giờ năng đổ nước vào cái lu của mình nhé ! "
Trên đây là đôi điều mà tôi đúc rút được qua việc đọc, nghe từ sách hoặc từ lời giảng của những vị Cao Tăng. Sự thẩm thấu và cái hiểu của tôi chưa hẳn đã chính xác như lời Phật dạy. Vậy mong mọi người chỉ coi đây là câu chuyện mà cha con tôi muốn cùng chia sẻ. Trân trọng!

Người với Người !















Ảnh trên hai chú gấu con tại Mỹ nắm tay nhau để xua tan sợ hãi khi khám phá một vùng đất mới.
Tôi thấy ảnh này khi đọc bài "10 ảnh thiên nhiên tuyệt mỹ tháng 7" trên Vnexpress và chợt nghĩ tới mối quan hệ giữa con người với con người. Nhân cảm hứng xin ghi lại bài thơ HỎI của nhà thơ Hữu Thỉnh:
Tôi hỏi đất:
- Ðất sống với đất như thế nào?
- Chúng tôi tôn cao nhau.
Tôi hỏi nước:
- Nước sống với nước như thế nào?
- Chúng tôi làm đầy nhau.
Tôi hỏi cỏ:
- Cỏ sống với cỏ như thế nào?
- Chúng tôi đan vào nhau
- Làm nên những chân trời.
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?

* Xin xem lại bức ảnh, đọc lại bài thơ và cùng suy ngẫm!

Dừng lại !



Đầu năm nhà tôi đi Thanh Minh. "Thanh Minh trong tiết tháng 3, Lễ là Tảo Mộ hội là Đạp Thanh". Tôi thấy đó là một tập tục rất hay. Hàng năm đi Thanh Minh ít nhiều giúp con người ta đừng quên cội nguồn của mình.
Nhà tôi đông chị em, dù toàn người ghê gớm nhưng may mắn là đều yêu thương và quan tâm tới nhau. Tôi là con út, lại là con trai duy nhất nên ngày xưa gọi là "cậu ấm", mấy bà hàng xóm trêu là "cậu ấm sứt vòi". Trong nhà, ai choành choẹ với ai thì mặc, chứ riêng tôi thì chị nào cũng thương. Điều này chỉ khi lớn lên, đã có gia đình và va chạm nhiều với cuộc sống, tôi mới thực hiểu giá trị và tôi đã biết yêu thương, trân trọng tình cảm của các chị dành cho mình.
Trong số các Chị kính mến của tôi đó, hôm nay có vài người không đi Thanh Minh cùng đại gia đình. Một Chị thì do đi Thanh Minh cùng nhà Nội, điều đó là không thể khác được nên không nói tới Chị này nữa. Còn hai Chị khác thì thường thường rất hay báo bận. Điều này có vẻ không ổn lắm vì thường thì trừ một số ít người không đủ năng lực làm việc hay không có công việc để làm và những người già, trẻ sơ sinh thì tôi thấy ai hình như cũng bận với cuộc đời thì phải. Và từ đây, để ngắn gọn, tôi sẽ gọi 2 Chị nói trên là 2 Chị Bận. Hôm nay đúng ra tôi cũng bận, vì để đi được Thanh Minh, tôi đóng cửa hàng. Tức là tôi đã phải hy sinh việc B để làm việc A mà tôi nghĩ là quan trọng hơn. Và những chị khác cùng đi với tôi nữa, chắc hôm nay họ cũng đều phải bỏ một công việc gì đó.
Tôi không có ý trách giận gì 2 Chị Bận. Chắc các Chị chỉ nghĩ đơn giản là có đông người đi rồi, vắng mình cũng chẳng sao. Thế nên tôi không định nói gì về việc này. Nhưng tình cờ hôm trước đọc quyển "Tâm lý Đạo Đức" của thầy Thích Chân Quang có câu: "Biết người khác có lỗi mà mình không nói cho họ biết để họ sửa thì tức là mình cũng có lỗi".
Vậy nên, tôi viết vài dòng mong 2 Chị Bận kính mến của tôi và cũng nhân đây gửi gắm tới cả những Chị khác trong đại gia đình Việt Nam ta có thể đọc được và cùng suy ngẫm: Ta chạy miên man trong cuộc đời, đôi lúc hãy dừng lại. Để làm gì? Để xem ta có quên gì không, có chạy nhanh quá, mải miết quá mà rơi mất cái gì quý giá không. Chuyện chúng ta có đi Thanh Minh hay không là một chuyện nhỏ. Nhưng ý nghĩa của việc đi Thanh Minh thì không hề nhỏ: đó cũng chính là lúc ta dừng lại đấy, để không đánh rơi mất cội nguồn của mình, để các con mình sau này tới ngày Thanh Minh nó không "BẬN" !!!

30 NGÀY TRẢI NGHIỆM HERBALIFE

  Tôi 50 tuổi, vài năm gần đây càng ngày chuyển động càng nặng nề, đứng lâu một chút thì bị đau gối và gót, hay mệt mỏi. Cách đây đã lâu, có...