Thứ Hai, 15 tháng 7, 2019

XUYÊN VIỆT HÈ 2019 FULL


 

“Có cái gì không?”:

13 thành viên gồm: vợ chồng tôi, anh rể Dũng, anh rể Thành, chị Vân tôi, gia đình cháu Bốp và cháu Trang (con chị Vân) mỗi gia đình có 4 người: Bốp, Thủy, Tôm, Pi và Trang, Tùng Linh, Kem, Bo. Do điều kiện công việc nên Tùng Linh, Bo và Thủy bay vào sau.

Xe bán tải do tôi và anh rể Dũng thay nhau lái, trước khi Tùng Linh, Bo và Thủy bay vào thì xe tôi gồm: Vợ chồng tôi, anh rể Dũng, anh rể Thành. Số còn lại ngồi trên xe 7 chỗ do Bốp lái. Sau khi hội kia bay vào thì chị Vân chuyển sang xe tôi, trên xe Bốp thì Tùng Linh trở thành lái chính.

Lịch sinh hoạt thường như thế này: Sáng dậy sớm tắm biển (nếu có), ăn sáng cafe xong thì đi, ăn trưa xong lại đi, tắt nắng không đi nữa, kiếm cái ăn và chỗ ngủ…

Mỗi ngày bình quân chúng tôi đi khoảng 300km, Trung Bộ ghé Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phan Thiết…; Nam Bộ đến Vũng Tầu Sài Gòn…; Miền Tây tới Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng…; Rồi ra Côn Đảo, lên Tây Nguyên…

12/6 đi thì 29/6 chúng tôi về Hà Nội, kết thúc chuyến đi.

Nghĩa là chả có cái chó gì nếu bạn chỉ thấy cuộc chơi là như vậy. Còn dưới đây là ghi chép của tôi:

Ngày 1: Thứ Tư 12/6 Hà Nội – Quảng Bình.

Xe tôi đi từ Lê Văn Lương, xe còn lại đi từ Kim Mã, hẹn gặp nhau ở trạm dừng Nam Định trên đường cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ. Anh rể Dũng (thứ 2 từ trái sang) cao tuổi nhất đoàn (72)



Nghỉ ăn trưa ở đoạn Thanh Hoá giáp với Nghệ An. Anh rể Thành quản lý chai rượu.



Sẩm tối đoàn đến Bãi Đá Nhảy (cách Đồng Hới, Quảng Bình khoảng 15km). Anh rể Dũng đề cử đoàn nghỉ ở Khách sạn Ph.H, nơi ông đã từng ở cách đây hơn chục năm. Khách sạn nằm ở bên phải đường quốc lộ, bãi biển bên tay trái. Chúng tôi băng qua đường sang bãi biển để ăn tối, lúc trở về anh rể Dũng và anh rể Thành suýt bị xe tông. Khách sạn đã xuống cấp lắm nhưng có lẽ nơi đây vắng khách nên chủ cũng không muốn đầu tư cải tạo.


---o0o---

Ngày 2: Thứ năm 13/6 Quảng Bình – Quảng Ngãi

Bình minh trên Bãi Đá Nhảy


Điểm đến hôm nay là bãi tắm Mỹ Khê – Quảng Ngãi. Gần đến Huế đoàn nghỉ ăn trưa ở một quán hàng cạnh cây xăng mà cháu Kem gọi là “một nơi thô lỗ”, tuy vậy món ăn ở đây khá ngon, hiềm món cá bống hơi nhiều xương cứng.
Sau đó đoàn đi theo Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, cao tốc đẹp, dài hơn 140km, phí 90.000đ.
Bãi biển Mỹ Khê khá giống bãi Cửa Đại với cây cối trồng dầy trên bờ biển và không theo hàng lối. Theo quan sát của tôi thì có mỗi 1 Homestay trên suốt dọc bãi biển nhưng chỗ đó chỉ còn đủ phòng cho gia đình chị Vân. Tôi đặt phòng trên ứng dụng Booking, 1 phút sau có người gọi điện thoại, đọc địa chỉ khách sạn. Theo hướng dẫn, chúng tôi đánh xe men theo bờ biển rồi rẽ trái vào trong phố, khách sạn cách bãi biển khoảng 500m. Đang ăn tối tôi nhận cuộc điện thoại từ lễ tân của một khách sạn X, qua đó mới biết nơi mà chúng tôi vừa đến nhận phòng không phải là khách sạn mà tôi đã đặt trên ứng dụng Booking?
---o0o---

Ngày 3: Thứ sáu 14/6 Quảng Ngãi – Quy Nhơn
Trong khi anh em trên xe tôi đi tắm biển thì nhà Bốp và Trang rủ nhau đi Thạch ky Điếu tẩu.



Điểm đến hôm nay sẽ là thành phố Quy Nhơn, khá gần nên chúng tôi chưa vội đi mà ngồi uống cafe ở Homestay. Hỏi chuyện ông chủ mới biết sở dĩ ở bãi biển ít nhà nghỉ vì nơi đây còn vắng khách. Du khách mới chỉ đông dần lên từ sau khi địa phương đưa vào khai thác Bến tầu ra đảo Lý Sơn.
Đến Quy Nhơn, chúng tôi thuê một Homestay trên đường Bế Văn Đàn. Homestay nhỏ, sạch sẽ và vừa đủ cho đoàn nên có cảm giác như là nhà của mình vậy. Còn lâu mới tắt nắng chiều nên vợ chồng tôi, anh rể Dũng, anh rể Thành xuống tắm biển, chị Vân và Trang lên khu mộ Hàn Mặc Tử trong khi Bốp ra sân bay đón 2 bố con Tùng Linh và Bo. Gió Lào trên bờ nóng hầm hập mà nước biển thì lạnh ngắt. Quy Nhơn là một bãi biển dài và đẹp lãng mạn với một bên là các khách sạn, nhà nghỉ còn bên kia trước bãi biển là một vỉa hè lớn, cây cối ngăn nắp. Bữa tối chúng tôi thưởng thức Bánh xèo tôm nhảy, một món ăn chơi ngon miệng.
---o0o---

Ngày 4: Thứ bảy 15/6 Quy Nhơn – Khánh Hòa
Sáng nay chúng tôi đi Hòn Khô, cách thành phố khoảng 20km, một điểm du lịch mà bạn có thể tắm biển, lặn ngắm san hô…







Tại đây tôi và anh rể Thành thuê 1 moto nước, tôi không quen lái lại phi tốc độ cao khiến anh rể Thành một phen sợ vãi.
Tầu đưa chúng tôi ra một nhà nổi ở giữa biển, nơi mọi người có thể bơi, lặn quanh đó để ngắm sinh vật biển, đẹp vô cùng. So với lần lặn ở Vinh Hy 2 năm trước thì nước ở đây sâu hơn nên đỡ nỗi lo chân tay va quệt vào san hô hoặc đá sắc, nhọn.
Sau khi ăn trưa tại Hòn Khô, kế hoạch là xe Bốp sẽ ra sân bay Tuy Hoà để đón Thủy còn xe tôi sẽ thẳng tiến tới bãi Sơn Đừng, vịnh Vân Phong, Khánh Hoà.
Ra đến bãi xe giữa lúc nắng nóng thì anh rể Dũng phát hiện mất chìa khoá xe, gọi cho hãng hãng cũng bó tay, cả đoàn toả đi tìm không thấy, tình hình rất căng thẳng.
Xe Bốp đành đi trước kẻo Thủy chờ ở sân bay lâu quá. Tôi gọi cho một bạn làm chìa khoá ô tô ở địa phương, bạn bảo nếu xe đời trước 2013 thì giá là 3.7 triệu, đời sau thì chưa biết thế nào mà nói, có thể không làm được. Anh rể Dũng lẩm bẩm tự dằn vặt mình vì đã để mất chìa khoá. Mọi người trấn an anh, nhưng trong lòng đều lo lắng.
Thì giống như trong cổ tích, thình lình ông Bụt xuất hiện, khác cổ tích là có những 2 ông. Các ông hỏi có phải đoàn ta đang tìm chìa khoá không, có phải cái này không?
Chúng tôi mừng quýnh, tạ ơn các ông bằng cả lời nói và vật chất. Chiếc chìa khóa vàng đã được họ nhìn thấy rơi trên bãi biển. Có thể nó đã bị móc vào đâu đó và rơi trong lúc trèo lên – xuống tầu, may thay.
Hầm Đèo Cả nối Phú Yên với Khánh Hoà, hầm dài 14km với 2 hầm riêng cho mỗi chiều đường, tốc độ tối đa cho phép tới 80km/h, phí 90.000đ. Không biết chi phí làm hầm này và hơn 140km đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có tương đương không mà mức phí thì lại bằng nhau?
Đoàn đến Sơn Đừng, nơi đây còn hoang sơ và cũng chỉ có 1 Resort, hôm nay lại là Thứ 7 cuối tuần nên không còn phòng. Sau khi hội ý ngắn đoàn quyết định di chuyển về Đại Lãnh, cách Sơn Đừng hơn 20km và thuê một khách sạn ở mặt đường quốc lộ. Khách sạn lòe loẹt với đủ mầu của một chiếc cầu vồng.
---o0o---

Ngày 5: Chủ nhật 16/6 Khánh Hòa – Ninh Thuận
Ngay sau khách sạn là bãi biển, sáng sớm vợ chồng tôi xuống tắm biển đã thấy anh rể Dũng và anh rể Thành dưới biển rồi. Hai bác nghĩ gì mà tắm ở đó? Tầu thuyền san sát và cống rãnh từ nhà dân xả thẳng ra. Bãi tắm chính phải đi ngược lại chừng 500m. Bãi biển Đại Lãnh thật nhiều rác rưởi và tôi không hề có ý muốn sẽ trở lại đây lần nữa.
Sau khi ăn sáng, đoàn quay lại Sơn Đừng cho bọn trẻ nhỏ tắm biển, số còn lại ngồi uống Cafe. Chúng tôi chỉ còn cách Mũi Đôi, điểm cực đông của đất nước khoảng 8km. Cháu Bốp máu lắm một mình không ngựa (chỉ có thể đi bộ) xông pha ta đi lên. Đi được nửa đường thì thất thểu quay về, gọi điện thoại cho người thân: “cậu ơi nhờ bác Dũng đánh xe ra ngã ba đón cháu với. Trời nắng, đường toàn cát, không một bóng cây, cháu tưởng cháu chết”.












Rời Sơn Đừng, đoàn ăn trưa tại quán nem nướng bà Năm, Khánh Hoà. Nem nướng, một món ăn chơi hay phết đấy các anh các chị ạ.
Hôm nay Bốp không chia sẻ bản đồ mà chỉ hẹn vợ tôi là đến Mũi Dinh. Google Map dắt xe tôi quanh co qua các ngôi làng nhỏ, đường bé tí, thế rồi chúng tôi chơ vơ giữa một khu đất lớn bốn bề mênh mông toàn cát chả biết đi đường nào? Nản chí chúng tôi quay ra thì bị sa vào một bãi cát dầy, cả xe phải xuống đẩy cùng với sự hỗ trợ của người dân mới thoát ra được.
Thì điểm đến hôm nay đúng ra phải là Khu du lịch Tanyoli, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận (Mũi Dinh nằm ở xã này). Tanyoli là một khu du lịch rộng lớn với nhiều hoạt động ngoài trời và phòng ốc được thiết kế giống như những túp lều của người Mông Cổ. Lều lớn 8 người ở, lều nhỏ dành cho một đôi. Chúng tôi chưa đủ duyên để khám phá nơi này nên vừa đến nơi thì trời mưa sầm sập. Mưa thế này thì chơi bời gì trong khi giá phòng ở đây không hề rẻ. Đoàn hội ý nhanh và quyết định tạm biệt Tanyoli, di chuyển khoảng 30km nữa để đến cái nơi mà lúc này chúng tôi gọi là Ninh Chữ.
Ninh Chữ đọc đúng là Ninh Chử, đó là tên một bãi biển thuộc thôn Ninh Chử, thị trấn Khánh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Còn nơi mà chúng tôi đến là một khách sạn nằm ở Phường Thanh Sơn, Phan Rang, Ninh Thuận. Khách sạn đẹp với cô chủ thân thiện nằm cách bãi tắm Bình Sơn khoảng 2km. Bãi Bình Sơn và bãi Ninh Chữ cùng nằm trên một bờ biển và cách nhau chừng 3km.




---o0o---

Ngày 6: Thứ hai 17/6 Ninh Thuận – Phan Thiết
Điều bất ngờ là chúng tôi không tắm biển ở bãi Ninh Chữ hay Bình Sơn mà sáng sớm 5h một nhóm chúng tôi đã phi xe 40km ngược về phía vịnh Vĩnh Hy để đến một bãi biển mà Bốp coi là một phát hiện lớn của nó trên đường từ Tanyoli về Thanh Sơn, Phan Rang buổi chiều ngày hôm qua. Thậm chí nó còn định lấy tên mình để đặt cho bãi biển này.






Rời Phan Rang, tưởng rằng sẽ đi Vũng Tầu nhưng cuối cùng chúng tôi đổi ý định sang Mũi Né. Phần vì lần trước tôi mới chỉ ghé qua chứ chưa ở lại Mũi Né, phần vì quãng đường ngắn hơn cho đỡ vội vàng. Bãi biển Mũi Né nhìn từ ngoài đường không đẹp như Quy Nhơn hay Nha Trang, nó bị chắn tầm nhìn bởi những khách sạn, resort san sát ven đường.

Trong suốt chuyến đi không phải lúc nào 2 xe chúng tôi cũng đi cùng đường và cùng một thời điểm. Như hôm nay chẳng hạn, xe Bốp đi một đường khác và con đường ấy dẫn chúng qua một đồi cát đẹp đến mức độ mà hôm sau mặc dù đã ở cách đó hơn 40 cây số chúng vẫn nằng nặc muốn đưa chúng tôi quay trở lại đó.







---o0o---

Ngày 7:  Thứ ba 18/6 Phan Thiết – Bà Rịa Vũng Tầu
Bãi biển Mũi Né tệ hơn tôi tưởng, mầu nước ở đây xanh đục như mầu lá bánh giò luộc chín kỹ. Người ta bán hải sản trên bờ và rất nhiều rác rưởi. Mới sáng ra mà nước lên nhanh khiến biển hầu như không còn bãi cát. Thứ tôi thích là sóng biển rất to, tha hồ nhảy sóng. Đang tắm biển tôi thấy nóng ở vai, mặt trời chênh chếch sau lưng khi mà mặt tôi đang hướng ra biển. Có nghĩa trước mặt đang là hướng Tây Nam, khác với quan niệm trước đây của tôi rằng nhìn ra biển là nhìn ra hướng mặt trời mọc (nước ta thuộc biển Đông).
Nhanh chóng rời Mũi Né, chúng tôi nghỉ chân ở Mũi Kê Gà, nơi có ngọn Hải Đăng cao và cổ nhất nước ta, ấy là tôi nghe nói thế chứ cũng không tra lại Google để kiểm chứng. Chúng tôi định sẽ ăn trưa và thuê Cano ra tham quan ngọn Hải Đăng. Đến nơi đúng giữa trưa, phần vì nắng to, phần vì người ta nói Hải Đăng thời điểm này không được lên đỉnh nên mọi người lại nản. Rốt cuộc chúng tôi chỉ thực hiện được một nửa dự định, đó là ăn trưa.







Chiều chưa tắt nắng chúng tôi đã ở Vũng Tầu, Bãi Sau đẹp và sạch sẽ. Từ bãi biển nhìn ngược qua một vỉa hè lớn và một con đường lớn là một dãy phố dài có nhiều ngõ song song với nhau, cổng chào ghi: KHU DÂN CƯ VĂN HÓA A, KHU DÂN CƯ VĂN HÓA B…, tiếc là cái ngõ mà chúng tôi ở thì không có VĂN HÓA.
Nếu như biển Quy Nhơn trên bờ gió Lào thổi hầm hập trong khi nước biển lạnh ngắt thì ta được trải nghiệm điều ngược lại ở biển Vũng Tầu. Buổi tối chúng tôi ăn món Lẩu cá đuối, một món bạn có thể thấy ở khắp nơi tại thành phố này, với tôi nó khá ngon miệng.
Ăn xong lũ trẻ còn kéo lũ ít trẻ hơn đi hát Karaoke bằng được. Khuya, dọc theo bờ biển dài, gió mát lồng lộng, đây đó những đôi trai gái, những đám bạn bè đang tâm sự, vui đùa. Trên cao một ngọn núi, tượng Chúa đứng đó như muốn giúp nhân gian giữ mãi cái khung cảnh bình yên này.



---o0o---

Ngày 8: Thứ tư, 19/6 Bà Rịa Vũng Tầu – Sóc Trăng
Sáng nay, tình cờ tìm lại được quán phở Hùng, nơi chúng tôi đã ăn 2 năm trước, vẫn hợp và ngon như thế. Gần tối đoàn tới và nghỉ tại Sóc Trăng sau khi qua Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Long…

---o0o---

Ngày 9: Thứ năm 20/6 Sóc Trăng – Côn Đảo
Chúng tôi dậy sớm đi ăn sáng, ở đây có món Mì Vịt tiềm với nguyên cái đùi vịt cả má to tướng giá 60.000đ.


Cảng Trần Đề hiện là nơi gần nhất để ra Côn Đảo bằng tầu cao tốc. Cảng cách nơi chúng tôi ở khoảng 30km. Có 2 chuyến tầu cao tốc từ cảng Trần Đề ra Côn Đảo, chuyến sớm là 7.30 và chuyến muộn hơn là 10.30, Thủy book vé chuyến muộn cho cả đoàn. Tầu cao tốc từ đây ra đảo mất 2.30′. Xe Bốp nhiều trẻ con sẽ đi sau, xe tôi ra cảng trước để nhận vé.


Vượt bao Hải lý chưa nghe vừa ý
Lắc lư con tàu đi
Chỉ thấy bọt nước tan theo ngọn sóng
Dáng hoa kia mịt mùng

50 SẮC THÁI SAY SÓNG




Côn Đảo rất đẹp. Tuy vậy một thực tế đẹp chưa chắc đã bằng một cảm xúc mới mẻ. Cảm giác của tôi khi đứng trước Côn Đảo lúc này có lẽ còn thua cái khoảnh khắc lần đầu tôi đối diện bãi biển Đồ Sơn hơn 30 năm trước.
Để có thể khám phá Côn Đảo theo ý riêng của mình, chúng tôi thuê 4 chiếc xe máy, 100.000đ/xe/24h chưa bao gồm xăng. Mọi người tùy nghi di tản. Vợ chồng tôi đi quanh một vòng, về tắm biển, sau đó đi thăm nghĩa trang Hàng Dương.
Nói đến nghĩa trang Hàng Dương, ta thường liên tưởng tới chị Võ Thị Sáu (chị Sáu, cô Sáu), và những câu chuyện truyền miệng ly kỳ về sự linh thiêng của chị, của sự cầu được ước thấy nơi mộ phần chị.
Có lẽ do vậy mà người ở tứ phương về đây chủ yếu để cầu xin chị tác thành cho những ước nguyện của họ, đông đúc lắm. Theo người dân ở đây, thời điểm từ 9 đến 12h đêm là lúc đông nhất.
7h tối vợ chồng tôi tới nghĩa trang, không gian yên tĩnh, trang nghiêm, đèn đủ để không cảm thấy tối. Có những nhóm người ra vào thăm viếng nhưng không đông và trật tự. Nghĩa trang Hàng Dương là nơi an nghỉ của chẳng riêng chị Sáu mà rất nhiều anh hùng, liệt sỹ khác như Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh và những liệt sỹ khuyết danh khác.
Chúng tôi không đến đây để cầu xin gì cả, đã gọi là nơi an nghỉ thì hãy để cho những người nằm đó được thực sự an nghỉ. Cẩn thận đặt bó hoa lên mộ phần chung của cả Nghĩa trang và mộ phần của chị Sáu, xin bầy tỏ lòng biết ơn những người đã ngã xuống để bảo vệ lý tưởng của mình và bảo vệ cho mảnh đất quê hương.
Biển Côn Đảo nước xanh trong, mầu xanh tươi sáng, sóng lặng và bạn có thể bơi mãi ra xa vẫn thấy đủ an toàn. Biển vắng chứ không đông như Vũng Tầu. Đối với biển tôi vẫn thích hơn sự náo nhiệt với những cô gái mặc bikini, những đứa trẻ đá bóng, thả diều, những người xây lâu đài cát, những người thợ ảnh…

---o0o---

Ngày 10: Thứ sáu 21/6 Côn Đảo – Trà Vinh
Không chỉ có biển và nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo còn những di tích từ thời Pháp, Mỹ như là các nhà tù, sở Cò… Chúng tôi ghé qua vườn quốc gia Ma Thiên Lãnh nhưng xe máy không đi sâu được vào trong. Lúc nãy, dọc đường từ trên Chùa Vân Sơn (Vân Sơn Tự) xuống chúng tôi bắt gặp một gia đình nhà khỉ rất tinh nghịch và đáng yêu đang chơi đùa cùng nhau




















Chia tay Côn Đảo trong nuối tiếc, đáp chuyến tầu khởi hành lúc 2.30 về đất liền là 5h. Đoàn đi thẳng Trà Vinh. Đường từ cảng Trần Đề đi Trà Vinh chỉ hơn 70km mà tối mịt chúng tôi mới tới vì phải qua tận 2 cái phà.
Đoàn nghỉ tại một Khách sạn mới xây, cách ngã ba đường cỡ 500m. Có thể do đất ở đây rộng nên Khách sạn chỉ làm một tầng. Ngoài cùng là sân kết hợp để xe ô tô, qua sân là tới 2 dãy phòng 2 bên. Phòng tiện nghi và sang trọng.
Chúng tôi ăn tối ở một quán Hải sản ngay đầu ngã ba. Chủ quán có tuổi nhưng nhìn rất nghệ sỹ với mái tóc dài buộc ở phía sau. Tôi hỏi ảnh Trà Vinh có gì chơi không mà ảnh ngắc ngứ không trả lời được.

---o0o---

Ngày 11: Thứ bẩy 22/6: Trà Vinh – Bến Tre – TP. Hồ Chí Minh
Quán Cafe 1985 là chút gì đó để chúng tôi còn nhớ tới Trà Vinh, ngoài đồ uống mà đoàn gọi thì chủ quán còn pha riêng một ấm trà Bạc hà để mời mọi người. Chủ quán sinh năm 1985, sưu tập và bài trí đồ đạc theo phong cách của thời bao cấp








Sầu riêng bán nhiều dọc đường về Bến Tre. Có 3 loại, mức giá 45, 55 và 65 nghìn/kg. Loại Thái Lan là đắt nhất, 2 loại kia tôi không nhớ tên. Chúng tôi nghỉ ăn trưa tại một nhà nổi trên sông Bến Tre, một nhánh của sông Hàm Luông. Sau bữa ăn, Bốp bổ sầu riêng Thái Lan ra ăn thử mọi người khen ngon, nghe nói giá sau khi mặc cả là 60.000đ/kg.




Càng gần đến TP. Hồ Chí Minh xe cộ càng đông dần lên. Tôi nhập điểm đến vào Google Map và đi theo sự chỉ dẫn của công nghệ. Đến gần một ngã tư cứ thấy người dân đi ngược chiều xua tay ra hiệu quay lại. Đang than thầm “bỏ mẹ rồi” thì y như rằng chú công an xuất hiện. Chú nói rằng đường này cấm giờ, biển báo cắm mấy ngã tư rồi anh ơi. May mà chú công an thân thiện cũng không gây khó dễ gì, còn có mất tiền hay không và nếu mất thì mất bao nhiêu là tôi không nói vì nhỡ đâu lại ảnh hưởng tới danh tiết của chú. Điều quan trọng là cả tôi và chú đều thấy OK, khi chia tay còn bắt tay nhau, tình quân dân thắm thiết.
Vừa rồi mấy người trong gia đình tôi có rủ nhau mua căn hộ tại chung cư HD Bank gần Sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có chị Sâm và cháu Trang tôi. Tối nay nhà chị Vân ngủ ở căn hộ của cháu Trang, vợ chồng tôi và anh rể Thành ngủ ở căn hộ của chị Sâm còn anh rể Dũng thì về nhà cháu Hằng (con gái anh đang sinh sống trong này). Đoàn ăn tối cùng khách mời là chị Thủy (bạn chị Vân) và cháu Việt (thằng cháu họ hay đi chơi với tôi đang sinh sống trong này).
Thành phố Hồ Chí Minh đúng là thành phố không ngủ, 22.30 mà đường xá vẫn tấp nập người qua lại.

---o0o---

Ngày 12: Chủ nhật 23/6 TP. Hồ Chí Minh – Bình Phước
Sáng lấy xe ra khỏi hầm, nhìn thấy đồng hồ điện tử nhày 25500…., tôi định trêu bác bảo vệ là chuẩn bị 500đ lẻ để tôi đưa 26.000đ thì trả lại. Vậy mà thực tế phũ phàng là 255.000đ phí gửi xe một đêm. Xe cháu Bốp vào sớm hơn chút còn bị tính 275.000đ. Cả nhà kêu um.
Sau khi ăn sáng, chúng tôi một số ngồi uống Cafe với cháu Hằng trong khi gia đình chị Vân thì vào chụp ảnh 3D







Chiều trên đường gần đến Phước Long, Bình Phước thì nhận tin chú em họ ở quê mới mất. Chú là em con của ông chú ruột tôi, chú hơn tôi nhiều tuổi. Nghe tin chú đi lòng nao nao, mong chú được an nghỉ ở nơi của mình. Chẳng hiểu có phải ông trời cảm thông cho sự vắng mặt của chúng tôi trong lễ tiễn đưa chú mà vừa đến khách sạn thì kèn đám hiếu ở đâu vọng lại.
Khách sạn chúng tôi ở tọa lạc trên một khu đất rộng, tầng một làm nhà nghỉ còn phía trên thì nuôi chim Yến. Nghe người ta nói phong trào nuôi Yến nở rộ mấy năm gần đây. Chiều xuống chim Yến rủ nhau về tổ hót líu lo thật vui tai. Có một chuyện nói ra thật ngại là thế quái nào mà bọn trẻ lại xếp cho vợ chồng tôi vào căn phòng có cái ghế tình yêu uốn éo mà đến nay tôi cũng chưa biết cách sử dụng ra làm sao.


---o0o---

Ngày 13: Thứ hai, 24/6 Bình Phước – Đắk Lắk
Kế hoạch hôm nay buổi sáng chúng tôi sẽ đi chơi Hồ thủy điện Thác Mơ rồi xuyên rừng quốc gia Bù Gia Mập để đến Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc.
Hồ thủy điện Thác Mơ đúng là chả có cái chó gì, trên đường quay ra chúng tôi vào một vườn sầu riêng rộng mênh mông và trĩu quả đến nỗi cứ lo sầu riêng rụng vào đầu. Sau được nghe nói rằng sầu riêng chỉ rụng vào ban đêm, nếu đúng thế thật thì thiên nhiên kỳ thú nhỉ. Chị Vân và Cúc mua 7kg, giá sau khi mặc cả là 300.000đ. Nó có ngon hay không, ta đón xem ở những phần sau.
Hồ thủy điện Thác Mơ









Để đi từ Phước Long, Bình Phước đến Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc thì ta phải xuyên qua Vườn quốc gia Bù Gia Mập, có nhẽ dài đến hơn chục cây số. Bạn cũng có thể gọi đây là vườn tre vì hai bên toàn tre là tre






Ai đã từng đến và xúc cảm trước rừng thông Yên Minh, Hà Giang và rừng thông Đà Lạt thì trên đường từ Bình Phước sang Đắc Lắc bạn sẽ có được một cảm xúc mới khi đi qua những cánh rừng thông trải dài như vô tận. Đất nước mình đẹp quá phải không ạ!



Tới Buôn Ma Thuột, tôi ngỡ ngàng vì mới sau 2 năm mà thành phố sầm uất hơn nhiều lắm, buổi tối chúng tôi đi ăn mà có cảm giác như mình đang đi ở Hà Nội vậy.
Đoàn ở tại Homestay Bốn Triệu, không phải 4 triệu/phòng đâu mà tên của nó là như vậy. Homestay lãng mạn như trong truyện cổ Andersen vậy. Sáng mai cháu Thủy phải bay về Hà Nội trước vì ngày nghỉ phép đã hết, chúng tôi mua bia về phòng liên hoan chia tay cháu.



---o0o---

Ngày 14: Thứ ba 25/6 Đắc Lắc – Kontum
Là người thích ngắm những con đường, đặc biệt là những cung đường tơ lụa của vùng cao, tôi đã từng qua Tứ đại đỉnh đèo của Bắc Việt Nam: Khau Phạ, Pha Đin, Ô Quý Hồ, Mã Pì Lèng và hầu hết các đèo miền Trung Nam Bộ: đèo Bảo Lộc, đèo Cả, đèo Ngang, đèo Lò Xo, đèo Hải Vân… Và cả con đèo hiểm trở của nước bạn Lào nối Vang Viêng và cố đô Luangprabang. Thế nhưng con đường lên Măng Đen Đại Ngàn và từ Măng Đen Đại Ngàn đi Ba Tơ mới thực sự để lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất.
Từ Buôn Ma Thuột, chúng tôi đi qua Pleiku để tới Kontum. Măng Đen Đại Ngàn thuộc tỉnh Kontum, cách thành phố Kontum khoảng 50km và có độ cao 1200m so với mặt nước biển. Nghe nói Hà Nội đang nóng lắm mà ở đây nhiệt độ chỉ khoảng 20 độ C.
Đặt chân tới nơi là chúng tôi quyết định sẽ ở lại thêm 1 ngày nữa so với dự kiến ban đầu. Bữa tối, sầu riêng mua tại vườn ở Bình Phước được bổ ra ăn, 2 quả to vật mà chỉ vỏn vẹn đâu như có dăm, bẩy múi. Thẳng Bốp đánh luôn một câu: “bị lừa”!

Ngày 15: Thứ tư, 26/6 Măng Đen, Kontum
Sáng nay trời mưa sầm sập, đoàn ngồi uống Cafe mà ngao ngán, định ở lại đây 2 hôm để chơi cho đã mà mưa thế này thì…
May mà Trời không phụ lòng người, gần trưa trời tạnh và để lại một thời tiết mát mẻ cho chúng tôi được hưởng thụ Măng Đen hầu như trọn vẹn phần còn lại.
Tức cảnh sinh tình, cháu Trang tôi viết:
"MĂNG ĐEN ĐẠI NGÀN. 
Đó là tên quán ăn ven đường mà đoàn chúng tôi ghé vào khi trời chiều đã ngả sẫm, gió sương xuống dần, và bụng đang réo gọi sau cung đường lên núi cheo leo. Chưa bao giờ và ở đâu tôi ăn được món cơm lam gà nướng ngon đến vậy. Lũ trẻ chén nhanh tới nỗi ở bàn bên 2 bác khách quên cả ăn cứ ngồi vừa ngắm vừa cười vì tiếng ăn rào rào như tằm ăn rỗi của cả đoàn. Quán ăn thuộc về 2 vợ chồng trạc tuổi anh chị tôi và 4 đứa con, cháu lớn nhất chỉ hơn cháu tôi 1 tuổi, cháu nhỏ nhất bằng con trai bé của tôi. Cả gia đình họ chăm chút cho cái quán thô sơ ấy và tiếp đón gia đình tôi bằng thứ tình cảm mộc mạc chân phương như chính mảnh đất này. 
MĂNG ĐEN – nơi mà người ta vẫn nói về bằng 1 câu nghe rất cường điệu hóa “không muốn phụ tình Đà Lạt, thì đừng tới Măng Đen” – cũng là nơi duy nhất cả đoàn quyết định dừng chân 2 đêm trên chuyến hành trình, mà vẫn không thấy đủ. 
Tôi nhớ về nơi đây với những khoảnh khắc đầy cảm xúc. Là khi niêu bánh canh cá còn đang sôi ùng ục làm ấm sực một buổi sáng mưa lạnh. Là khi cô con gái nhỏ lắc lư trong lòng tôi hát nghêu ngao trong lúc chồng tôi đang thả dốc giữa hai bên rừng thông xanh rì rào. Là khi tiếng cười của lũ trẻ chơi trò đuổi bắt quanh chòi cơm mộc vang lên giữa mênh mông. Là khi tôi lang thang cùng mẹ chụp ảnh bên bờ hồ Đak Ke thơ mộng, khi đứng trên chiếc cầu treo giữa thác Pa Sỹ hùng vỹ, sau lưng là cả một rừng cây; hay lúc tản bộ cùng cả gia đình trong chùa Khánh Lâm an yên tĩnh lặng khi cơn mưa rào đầu mùa vừa dứt và nắng chớm ửng qua những vòm lá mướt…
Chồng tôi nói “Mong rằng nơi đây sẽ phát triển được bền vững”. Ở đây, tôi nhớ cái cảm giác của một Đà Lạt nguyên sơ thuở nào, cũng nhớ một buổi chiều giữa núi rừng Hà Giang khi được mời cùng ăn bữa cơm ngô và gà kho ám mùi khói đất. Trên khắp đất nước tôi, còn quá nhiều điểm dừng chân gây thương nhớ, quá nhiều những khung cảnh mà khi đứng trước chúng chỉ có thể lặng người. Chỉ ước sao, chúng sẽ mãi đẹp như những miền ký ức ta từng có.
Hẹn lại mùa hoa anh đào bên bờ hồ Đak Ke, Măng Đen yêu thương nhé!"





























---o0o---

Ngày 16: Thứ năm 27/6 Kon Tum – Thừa thiên, Huế
Ngày hôm nay, chúng tôi sẽ đến một điểm mới: Vịnh Chân Mây thuộc Thừa Thiên, Huế. Đi từ phía Nam ra thì sẽ qua Vịnh Lăng Cô gần 20 cây số nữa.
Bốn tỉnh Tây Nguyên theo thứ tự từ Nam ra Bắc là: Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai, sau cùng là Kon tum. Vừa qua Kon Tum, chúng tôi ăn trưa ở một trạm dừng nghỉ ven đường thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Rời Tây Nguyên đặt chân vào Quảng Ngãi như thể giữa trưa nắng hè bạn bước từ một căn phòng máy lạnh ra ngoài vậy.
Xe chúng tôi đi trước vì còn qua Đà Nẵng mua ít quà. Chúng tôi trở lại cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đi hết cao tốc là tới Đà Nẵng. Thành phố này bây giờ cũng đông quá đi mất. Sốt đất, tăng sự phát triển và giảm sự bình yên. Gần đến đèo Hải Vân phía thành phố Đà Nẵng, mọi người có ý muốn không đi hầm mà lên đèo để ngắm cảnh, nhưng chị Vân tôi gàn vì nếu thế thì về vịnh Chân Mây sẽ muộn lắm nên lại thôi.
Độ 6.30pm chúng tôi đến vịnh Chân Mây, lũ trẻ trên xe kia đã tranh thủ xuống tắm. Anh rể Dũng và anh rể Thành nhận phòng xong là xuống biển tắm luôn, trộm vía khỏe thế.
Buổi tối trong không khí vui vẻ, chúng tôi chén bữa hải sản ngay tại nhà hàng ở bãi biển, đồ ăn ngon và giá cả tương đối hợp lý (Hơn 10 người hết 1.6 triệu gồm cả bia).


---o0o---

Ngày 17: Thứ sáu 28/6 Thừa thiên, Huế – TP. Vinh, Nghệ An
Sáng sớm vợ chồng tôi xuống biển thì 2 ông anh rể đã tắm xong và đi lên. Lát sau vợ tôi về trước thì Bốp rồi chị Vân xuống. Bãi biển khi đó chỉ còn có 3 người chúng tôi.
Như tôi thấy thì Lăng Cô và Côn Đảo là những bãi biển đẹp nhất trong những nơi tôi đã từng tới, nay bổ sung Chân Mây. Vịnh Chân Mây đẹp lắm và còn vắng. Dọc đường vào thấy có vài cái Resort đang xây dở dang và có vẻ bỏ đấy đã lâu? Chúng tôi ở một Nhà nghỉ mang tên một địa danh nổi tiếng nơi Võ Tòng đả hổ trong chuyện Thủy Hử. Từ Nhà nghỉ đi bộ qua một dãy hàng ăn ở 2 bên là tới bãi biển. Nghe ông chủ Nhà nghỉ nói thì ở đây cuối tuần mới đông. Chúng tôi định sẽ tổ chức để cả đại gia đình đến đây nghỉ dưỡng vào năm tới.
Đường Quảng Trị – Quảng Bình trưa nắng mà không một bóng cây. Cảm thấy hơi buồn ngủ tôi định tìm chỗ bóng mát để đổi lái cho ông Dũng mà nhẽ đi tới hơn 30 cây số không có chỗ nào. Thế lại hóa may vì tới một cây xăng nơi tôi ghé vào đổ thêm dầu đồng thời đổi lái thì phát hiện xe bị xịt lốp. Xe bán tải này là của cháu An, bạn cháu Bốp, may mà khi chúng tôi đang bỡ ngỡ trong việc tháo lốp sơ cua để thay thì lại xuất hiện bác tài xe khách tốt bụng hướng dẫn giúp cho. Sau này được biết nguyên nhân xịt lốp là do miếng vá cũ bong ra, nắng nóng như thế cơ mà! Nó mà xịt ngoài đường rồi ngồi mà thay lốp thì phát ốm chứ chẳng bỡn.
Gần đến Hà Tĩnh thấy có cái xe chạy phía sau nháy đèn công vụ mà lại không đi nhanh lắm, ngỡ là xe cảnh sát nên tôi lái cẩn thận hơn bình thường. Lúc sau mới biết là xe Cứu hỏa. Rồi lại có một xe biển xanh 80A không có đèn công vụ nhưng lại hú còi và vượt qua xe tôi rất nhanh. Đến khi tận mắt chứng kiến cháy rừng ở núi Hồng Lĩnh thì mới hiểu. Chắc xe 80A là xe lãnh đạo địa phương đến hiện trường để chỉ đạo, nhưng vì sao xe cứu hỏa lại không tỏ ra khẩn cấp nhỉ?
Chúng tôi nghỉ lại ở thành phố Vinh, một thành phố sầm uất và đông đúc.

---o0o---

Ngày 18: Thứ bảy 29/6 Vinh, Nghệ An – Hà Nội
Đem lốp bị thủng hôm qua đi vá, chúng tôi được người ở cửa hàng lốp giới thiệu món ăn sáng là Bún chả nướng, khen là ngon lắm. Trần đời chúng tôi có bao giờ ăn sáng bún chả nướng đâu nhưng thôi cứ thử xem sao. Ra là ngon thật, chả băm chứ không có chả miếng và chả băm để nguyên cả tảng to.
Trả phòng, 2 xe đã nói lời chia tay, thế mà đến Big C Thanh Hóa thì chúng tôi lại gặp nhau để cùng ăn bữa trưa. Vào Big C để ăn trưa là một kinh nghiệm hay của cháu Bốp, một xuất cơm với thức ăn tùy chọn có giá từ 25.000đ, điều hòa mát rượi.
Chập tối, vợ chồng tôi và anh rể Thành xuống nhà tôi ở Lê Văn Lương. Anh rể Dũng và chị Vân đánh xe về Kim Mã để cháu Bốp trả cho cháu An. Chúng tôi kết thúc chuyến đi vui vẻ, chuyến đi đã mang chúng tôi tới nhiều miền đất mới, với những tiếng cười, tình cảm gia đình ấm áp và những kỷ niệm khó quên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

30 NGÀY TRẢI NGHIỆM HERBALIFE

  Tôi 50 tuổi, vài năm gần đây càng ngày chuyển động càng nặng nề, đứng lâu một chút thì bị đau gối và gót, hay mệt mỏi. Cách đây đã lâu, có...