Năm 1930 là kỳ World Cup đầu tiên mở ra một ngày hội sôi động toàn cầu cứ 4 năm lại diễn ra một lần (gián đoạn năm 1942, 1946 do chiến tranh thế giới lần thứ 2). Ngày hội này là ngày hội của các tín đồ Túc cầu giáo và là một trong những lý do chính đáng để các ông chồng có thể ra khỏi nhà vào lúc nửa đêm và các bà vợ dù có khó chịu đến mấy cũng đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà chặc lưỡi: thôi thì 4 năm mới có một lần.
Năm 1974 là kỳ World Cup đầu tiên của đời tôi. Năm đó tôi là thằng nhóc 3 tuổi, biết gì đâu mà bóng với bánh. Năm 1978 tuy vẫn là thằng nhóc nhưng tình cờ tôi có xem một, hai trận gì đó và hình ảnh danh thủ người Argentina: Mario Kempes với mái tóc dài tung bay trên sân được ghi vào trong ký ức tôi cho đến tận bây giờ. Hè năm 1982 tôi được bố mẹ gửi xuống Hải Phòng cho anh chị là giáo viên kèm cặp và vào một ngày đẹp trời tôi đọc được cái tiêu đề rất kêu trên tờ báo thể thao như sau : “Oleg Blokhin, cơn lốc đường biên của đội Liên Xô”. Chính cái tiêu đề và bài viết này đã khiến tôi thích bóng đá. Sau đó tôi thường đón chờ những bài báo mới để được xem các thông tin về bóng đá luôn rất hấp dẫn dưới ngòi bút của mấy ngài phóng viên thể thao. Tuy nhiên, ngày đó chủ yếu tôi chỉ thích xem các bài bình luận chứ chưa hẳn đã thích bóng đá. Năm 1986, World Cup được tổ chức tại Mexico và đâu như còn gọi là Mondial 13 hay 14 gì đó. Trận chung kết có câu bình luận rất sướng tai trên TV như sau: “Hôm nay, trên sân vận động Azteca tưng bừng cờ hoa và mầu sắc, hơn 100.000 cổ động viên trên khắp thế giới đổ về đây để dự ngày hội của hành tinh…”. Ôi, nghe mà thấy trong lòng náo nức. Hôm đó tôi xem cùng với bố, anh Thành và anh Hải (anh rể). Tôi thích đội Đức nhưng cuối cùng Argentina đã thắng với tỷ số 3-2, trận đấu thật kịch tính. Tôi cũng không quên trận Brazil và Pháp mà tôi xem trên nhà chị gái ở phố Mai Hắc Đế với thằng Tuấn (bạn thân hồi nhỏ). Hôm đó chúng tôi cùng mẹ xuống trông nhà giúp chị và một năm sau mẹ đã ra đi khi tôi còn chưa kịp hiểu mình đã mất gì! Năm 1990 chắc nhiều người còn chưa quên bài ca bất hủ : Mùa hè nước Ý : “Ô xe rô xá rá ố na ken xồ. A kem mi a lé ré, gô lè ré chố…”. Mấy câu bồi đó, lũ choai chúng tôi vẫn thường gào lên phấn khích trước giờ bóng lăn. Năm 1994 tôi ngạc nhiên vì World Cup tổ chức tại Mỹ mà cái tụi đó (tụi Mỹ) lại chẳng biết đếch gì về bóng đá. Năm 1998, những chú gà trống Goloa Pháp cất cao tiếng gáy khi lần đầu tiên được nâng cao chiếc cúp vô địch thế giới và cùng năm này vợ chồng tôi được đón nhận cậu con trai đầu lòng. Năm sau, chúng tôi được thêm cô con gái rượu và năm kế tiếp, người mẹ già của tôi ra đi vào một buổi đêm mùa hạ sau khi nhìn khắp các con với ánh mắt da diết. Năm 2002 là lần đầu tiên World Cup tổ chức tại châu Á với sự xuất thần của Hàn Quốc (đội đứng thứ 4 sau Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Brazil). Một năm sau bố từ biệt chúng tôi để về cùng 2 mẹ trong một buổi trưa hè mà lần đầu tiên tôi ôm hôn bố với một cảm xúc mất mát khó tả. Năm 2006, trận chung kết giữa Pháp và Ý cũng là trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ của người hùng sân cỏ Zinedine Zidane nhưng nó lại là một kỷ niệm đáng quên khi anh bức xúc húc đầu vào Materazi và phải nhận thẻ đỏ rời sân.
Còn hôm nay, khi Argentina vừa tưng bừng rót 4 bàn thắng vào lưới của Hàn Quốc thì đây đã là những thời khắc của lượt trận thứ hai World Cup 2010. Những ngày hè nóng nực một cách kỳ lạ và từ một thằng nhóc của ngày nào nay tôi đã là gã trung niên 40 tuổi. Một đời người – Bao nhiêu World Cup? Thời gian sao quá nhanh? Câu hát: "Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại" nhắc chúng ta biết quý trọng thời gian và khi thời gian đã trôi qua thì dù có ước muốn, thời gian sẽ không trở lại. Giờ phút này, hôm nay đây chính là khoảnh khắc quý nhất của chúng ta, xin hãy tận hưởng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét