Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Phượng Hoàng Cổ Trấn, Trương Gia Giới 2018

Tôi quyết định đặt Tour đi Phượng Hoàng Cổ Trấn và Trương Gia Giới cho gia đình, dù đã nghe phàn nàn của một số người đi trước như kiểu "đi ăn cướp chứ đâu phải đi chơi", hay là "ăn uống ngủ nghỉ có ra cái gì đâu" v.v...
Kinh nghiệm cho tôi thấy kinh nghiệm của người khác luôn có giá trị nhưng mặt khác những nghi ngại mơ hồ nhiều khi lại có thể khiến người ta bỏ lỡ cơ hội một cách rất đáng tiếc. Vả lại nếu có "đi ăn cướp" và "ăn uống không ra gì" trong vài ngày thì cũng chẳng phải là cái gì quá nghiêm trọng. 
Năm ngoái các chị tôi mua Tour đi du lịch Châu Âu của một công ty nọ và có đánh giá tốt, nên chúng tôi quyết định chọn công ty này sau khi đã tham khảo thêm một số các nguồn khác. Giá của họ không phải là rẻ nhất nhưng hợp lý, cộng thêm sự cam kết không đưa khách vào những điểm mua bán. 

6h sáng ngày 1/8/2018 chúng tôi tập trung ở Rạp Xiếc Trung Ương. Trời lác đác mưa dù dịp này Hà Nội mưa bão suốt. Đoàn gồm 5 người nhà tôi, 7 người nhà chú Long (bạn tôi), được ghép cùng 6 người trong một gia đình khác và 2 người bạn gái có vẻ như là bạn đồng nghiệp. Xe 29 chỗ của công ty đưa chúng tôi ra sân bay, Tuấn (Hướng dẫn viên / HDV) đồng hành cùng với đoàn, trên tay cầm lá cờ tím, mỗi người trong đoàn được phát một mũ tím.
9h tàu bay cất cánh, thời gian bay khoảng 2 tiếng. Đến sân bay Trường Sa, thành phố Trường Sa, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc là 12h (giờ địa phương). Thằng cu con chú Long lẩm bẩm "Đây là Trung Quốc à, chẳng khác gì Việt Nam" 😀 
Làm thủ tục nhập cảnh xong thì xe công ty đón chúng tôi ra một tiệm ăn gần đó. Xe 29 chỗ không quá cũ, tài xế ở đây được gọi là Sư phụ, và ổng sẽ đồng hành cùng chúng tôi trong hầu như toàn bộ hành trình bằng ô tô tại Trung Quốc. Đón chúng tôi còn có thêm 1 HDV người Trung Quốc tên Mai, cô này nói được tiếng Việt và sẽ là HDV chính của đoàn.
Trước chuyến đi tôi đã nghe nhiều người nói về các món ăn ở đây rằng chúng rất nhiều dầu mỡ và khó ăn. Nhưng có vẻ như ngày nay điều đó đã được cải thiện sau quãng thời gian các nhà hàng rút kinh nghiệm từ việc phục vụ khách du lịch Việt Nam. Các món ăn nhìn chung là chấp nhận được. 10 người một bàn nên tôi và Long ngồi cùng với gia đình 6 người và 2 cô bạn "đồng nghiệp". Mỗi bàn được hai chai bia và 1 chai nước ngọt to, tôi chủ động không uống bia và ăn ít vì hành trình tiếp sau đây là rất dài và cũng vừa mới ăn một bữa không hề nhẹ trên máy bay.
Sau bữa ăn, chúng tôi lên xe ô tô di chuyển về Phượng Hoàng Cổ Trấn (PHCT). Bấy giờ trời nắng rất đẹp, thế mà lúc gần đến PHCT chúng tôi không khỏi lo lắng khi nghe tiếng mưa rào như trút nước qua Video Call mà Mai gọi cho một cô đồng nghiệp đang ở đó
Quãng đường từ Trường Sa về PHCT khoảng 500km. Luật giao thông bên này quy định xe chỉ được chạy tối đa 2 tiếng rưỡi là phải tắt máy nghỉ 20 phút, cho xe, sư phụ và hành khách đều được nghỉ ngơi. Sau hai lần nghỉ như thế thì chúng tôi tới nơi khi tối đã rất muộn.  
Theo như Hợp đồng với công ty du lịch thì chúng tôi sẽ được ở Khách sạn 4 sao, và được giải thích trước là 4 sao "địa phương", nghĩa là chúng ta đừng kỳ vọng quá nhiều. Ấy thế lại hóa hay, khi chúng ta không kỳ vọng thì sẽ tránh được nỗi thất vọng. Và bây giờ chúng tôi đang ở trong Khách sạn, phải nói là nó hơn những gì mà tôi đã tưởng tượng rất nhiều. Khách sạn không mới nhưng phòng ốc rộng rãi, lịch sự, có đủ khăn tắm, sữa tắm v.v... Chỉ phiền là điều khiển điều hòa toàn tiếng Trung nên tôi đã phải nhờ tới sự trợ giúp của một cô dọn phòng.




2/8
5 người nhà tôi gồm bà ngoại, mẹ cháu, hai cháu và tôi. Sáng ra bà than rằng bọn Trung Quốc tiết kiệm điện quá, 11h là nó tắt điện, may mà giời cũng mát. Thế sao các phòng còn lại không ai bị mất điện? Nguyên nhân sau đó được con trai tôi phát hiện ra là trước khi đi ngủ bà rút cả chìa khóa, cả thẻ phòng (dùng để đóng mở điện) để cất đi theo người kẻo mất thì phiền, người già là cứ phải cẩn thận. 😂
Phượng Hoàng Cổ Trấn là một thị trấn cổ có tuổi đời 1.300 năm. Sau khi ăn sáng ở khách sạn chúng tôi đi bộ khoảng hơn cây số, qua một cây cầu rồi đi xuống dưới là đến khu trung tâm, thời tiết rất đẹp.

Hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử của PHCT, về Bắc môn cổ thành, Hồng Kiều v.v... nhưng vì mải ngắm cảnh nên tôi cũng không nghe được nhiều. Chúng tôi chụp hình và để ý tới những món đặc trưng của địa phương. Vào một cửa hàng kẹo gừng, tôi ăn thử chẳng thấy ấn tượng nên cũng không mua. So với Hội An, PHCT tương tự về mật độ khách du lịch nhưng rộng hơn về mặt diện tích và cổ kính hơn về mặt thời gian. Chúng tôi ghé vào một cửa hàng Bạc. Ở đây Bạc không chỉ là sản phẩm, nó còn gắn liền với văn hóa và lịch sử của địa phương. Các sản phẩm rất phong phú, từ thìa, nĩa, bình đựng nước đến các món đồ trang sức. Nhiều người trong đoàn mua đồ ở đây, giá không rẻ nhưng có lẽ mọi người mua vì ý nghĩa lưu niệm và vì tin tưởng bạc ở đây chuẩn.
Theo chương trình đoàn sẽ tham quan sông Đà Giang bằng thuyền. Xuyên qua các dãy phố chằng chịt như bàn cờ và một ngách nhỏ loằng ngoằng dây điện, trước mắt chúng tôi là sông Đà Giang thơ mộng với những cây cầu bắc ngang và 2 dãy nhà cổ ôm lấy bờ sông.




Thuyền du lịch ở đây là loại thuyền gỗ có mái che sử dụng chèo, mỗi thuyền chở được tối đa 8 người. Nước nông và xanh, rác rưởi kha khá. Bên bờ sông thỉnh thoảng tôi lại thấy người dân hoặc đang giặt quần áo hoặc đang rửa rau quả, thực phẩm. Chẳng biết sông Đà Giang dài đến đâu nhưng hành trình trên thuyền của chúng tôi chỉ kéo dài chừng 15, 20 phút.

Nếu "Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta..." thì Đà Giang quả là điểm hẹn lý tưởng cho tình yêu đôi lứa. Thế mà điểm check in không thể bỏ qua mỗi khi đến PHCT (theo lời các cháu nhà tôi) lại không thuộc về những cái tên lãng mạn như Hồng Kiều, Phong Kiều, Tuyết Kiều, Vụ Kiều mà lại là cầu Đá nhảy. Cầu là những viên đá đủ cho 2 người qua lại, mỗi viên xếp cách nhau vừa bước chân người, được biết cầu có từ thời Khang Hy. Đến giờ tôi cũng chẳng hiểu tại sao nó lại là điểm Check in không thể bỏ qua?




- Anh này, đi PHCT nhà mình phải thử món Đậu phụ thối nhé.
- Em không kinh à?
- Kinh thì kinh cũng phải thử cho biết.
Trên là trích đoạn hội thoại của vợ chồng tôi từ khi khởi hành, và bây giờ là lúc để thực hiện. Dọc theo bờ sông là các hàng quán san sát, phần lớn nằm trong các nhà cổ, trong đó có một số quán bán đậu phụ thối, trong số các quán bán đậu phụ thối có một quán mà chỉ khi có khách họ mới bắt đầu chế biến nên chúng tôi phải đợi, trong khi đợi quả thật rất thối. Chừng 15 phút thì được ăn, đậu có hình thù và quy cách na ná như miếng đậu rán của mình nhưng vỏ đen, ăn bùi và ngon chứ không thấy thối.
Chúng tôi ăn trưa ở PHCT, tất cả các bữa ăn của chúng tôi trong suốt chuyến đi đều được thực hiện theo đúng một kịch bản, đó là 10 người một bàn, tôi và Long ngồi cùng với nhóm gia đình 6 người và hai cô bạn "đồng nghiệp", bàn kia là số người còn lại của nhà tôi và nhà Long. Mỗi bàn có 2 chai bia và một chai nước ngọt. Được cái món ăn của mỗi bữa đều có sự thay đổi và ăn được chứ không tệ.



Chiều và tối hôm nay đoàn sẽ được sinh hoạt tự do, vợ chồng tôi ngủ dậy lúc khoảng 4h chiều, gọi Zalo cho hai cháu thì không thấy trả lời, chắc là chúng nó lại đi chơi rồi. Ở đây chúng tôi chỉ có thể liên lạc với nhau qua Zalo và hầu như chỉ ở khách sạn thì mới có Wifi free. Vợ rủ tôi ra PHCT chơi tiếp, tôi đi vì chiều vợ chứ trong người không cảm thấy khỏe lắm, bình thường tôi cũng là loại dã chiến nhưng hôm nay không hiểu sao mệt thế.


Nếu ban ngày PHCT mang một vẻ đẹp mơ màng thì buổi tối nó lại cực kỳ lung linh huyền ảo.
Từ một cây cầu ở trên cao, chúng tôi chiêm ngưỡng được toàn bộ vẻ đẹp của PHCT về đêm. Lát sau mọi người rủ nhau đi xuống dưới chơi còn tôi mệt nên bắt taxi về trước. Tôi vẫy cái taxi, đưa cho lái xe Namecard của khách sạn kèm tờ 10 tệ, khỏi nói nhiều. Về đến nhà là ngủ thiếp đi. 






3/8

Tôi dậy từ 6h, hoàn toàn sung mãn. Ăn sáng tại khách sạn xong thì 8h đoàn khởi hành đi Trương Gia Giới. Trong đoàn có bà nhà tôi và bà mẹ chú Long đã trên 70 tuổi, ngày 2 buổi tôi đều hỏi "hai bà có mệt không" và nhận câu trả lời "không, bình thường", tôi rất ngưỡng mộ.
Chúng tôi trải qua hành trình 280km bằng xe ô tô để đến quận Vĩnh Định. Đây là một con đường núi nhưng được người Trung Quốc xây đoạn thì hầm xuyên núi, đoạn thì đổ trụ làm đường trên cao, nên hầu như đường ít mấp mô, uốn lượn. Chúng tôi đã đi qua không biết bao nhiêu đường hầm, cảnh đẹp bởi sự hùng vĩ của những ngọn núi bao quanh những con đường tơ lụa và mây bao quanh núi. Đây đó chúng tôi nghe có tiếng pháo gợi nhớ kỷ niệm về đám cưới của những ngày xa xưa. Đến nơi là vừa giờ ăn trưa, chúng tôi nạp năng lượng để chuẩn bị cho chuyến đi Thiên môn sơn ngay sau đây.
Thiên môn sơn, Núi Cổng trời, chốn Bồng lai tiên cảnh. Đất lành thì chim đậu, thế nên người ở đâu đổ về chu cha là người. Để lên được Thiên môn sơn, chúng tôi phải đi cáp treo, để lên được cáp treo chúng tôi phải xếp hàng, và thời gian từ chỗ xếp hàng đến khi ngồi vào cáp treo là 2 tiếng đồng hồ. Điều đáng khen là sự tổ chức và sự xếp hàng đều khá chuyên nghiệp và có văn hóa.
Cáp treo ở đây không cho tôi cảm giác yên tâm như Cáp treo ở Fanxipang nhà  mình, trước hết là vì nó bé, chỉ có 8 chỗ, sau là tôi lên cuối nên ngồi ngay sát cửa. Trong cùng có 2 bố con người Trung Quốc, do chỗ ngồi khá chật nên Mai đã phải yêu cầu ông bố người Trung Quốc bế con lên lòng, lý do là đứa trẻ không phải mua vé nên không được có chỗ ngồi. Cáp đi thành hai chặng, trước đây cáp chỉ lên được chặng một. Chặng hai của cáp đặc biệt là lúc gần tới nơi, độ dốc dựng tới 45 độ khiến nhiều người trong đoàn có chút căng thẳng, trong đó có tôi.
Ngồi trong buồng cáp qua cuộc trò chuyện với Hà và Nga - đôi bạn mà tôi từng nghĩ họ là bạn đồng nghiệp - chúng tôi được biết họ đã có gia đình, con cái và là bạn học cũ chứ không phải bạn đồng nghiệp. 
Rời khỏi Cáp treo, chúng tôi leo bộ để lên Sạn đạo kính, dọc đường có một loài cây gì đó tôi không nhớ, nghe nói thuộc giống cây đã có tuổi đời hàng triệu năm?



Sạn đạo kính là con đường dựa vào vách núi và được làm toàn bằng kính trong suốt. Vốn sợ độ cao nên tôi định sẽ không đi và nếu vậy Tuấn (HDV) sẽ đưa tôi đi một con đường khác. Nhưng gần đến nơi thì chẳng hiểu sao nỗi sợ tan biến. Thật may mắn cho tôi vì nếu không đi thì quá phí, quá phí vì quá đẹp.








Từ Sạn đạo kính, đoàn đi xuống Cổng trời bằng mấy chục lần thang máy cuốn, toàn bộ hệ thống thang đều được làm trong núi. 



Xe Sinh thái đưa chúng tôi ở chặng xuống thay cho cáp treo. Sinh thái là tên gọi của một loại xe ô tô ước tính 35 chỗ ngồi và chẳng hiểu lý do gì người ta gọi tên như vậy, nó chẳng có mầu xanh cây cỏ và cũng không chạy bằng điện? Ở đây chỉ có xe Sinh thái được phép hoạt động.
Đường xuống đương nhiên là đèo núi, với độ dốc cao và 99 khúc cua. Ở mỗi một khúc cua người ta lại đặt một con Tỳ hưu để cầu an, đủ thấy đoạn đường nguy hiểm thế nào. Nỗi sợ đi cáp treo nếu có chỉ là nỗi sợ tâm lý, còn khi ngồi trên xe Sinh thái vượt qua 99 khúc cua thì đó mới thực sự là việc đáng sợ, chưa kể các bác tài do quen đường nên chạy với tốc độ khá nhanh.
Sư phụ đón chúng tôi ở chân núi và đưa về khách sạn. Khách sạn của ngày hôm nay còn hoành tráng hơn ngày hôm qua, với một sảnh lớn phía ngoài, bên trái là một hành lang rộng, đi theo hành lang đó để vào các phòng nghỉ và nhà ăn. Có nhiều nhà ăn lớn và chúng tôi rẽ trái ở ngã rẽ đầu tiên để vào nhà ăn của mình. Khách sạn tuy lớn nhưng lại chỉ có mỗi một thang máy.
Bạn có còn nhớ nhóm gia đình 6 người trong đoàn của tôi? Họ gồm 2 vợ chồng chú Tuyển, 2 vợ chồng người chị gái vợ chú và 2 đứa cháu. Tôi đoán chú Tuyển chắc gần 60 là cùng và như thế lẽ ra nên gọi là anh. Sở dĩ tôi quyết định gọi là chú vì nếu tôi gọi ông đồng hao của chú là anh thì lại không phù hợp lắm. Xưng hô của ta nó loằng ngoằng thế. Chú Tuyển là người thông kinh sử, đặc biệt rất am hiểu về lịch sử Trung Quốc và các mối liên hệ giữa lịch sử Trung Quốc và lịch sử Việt Nam. Theo như chú nói và theo như tôi hiểu thì PHCT là khu tự trị của Trung Quốc về hành chính, còn về con người thì nó thuộc về dân tộc Miêu Tương Tây hay còn gọi là người Thổ Gia. Dân tộc này có liên quan tới người Mèo ở nước ta và họ có thể hiểu được phần lớn ngôn ngữ của nhau.
Dân tộc Miêu Tương Tây có lịch sử và văn hóa lâu đời. Trong đó có tục lệ như là con gái trước khi đi lấy chồng thì phải khóc hàng tháng, hay truyền thuyết về thuật Bùa ngải chỉ được bí truyền cho con gái và thuật Càn thi, tức là thuật dẫn xác chỉ được bí truyền cho con trai. Sở dĩ tôi nói điều này là vì tối nay có show diễn Rạng rỡ Tương Tây, 350 tệ một vé, trong show sẽ có các tiểu phẩm nói về các tục lệ và truyền thuyết này. Cả đoàn chúng tôi quyết định đăng ký đi xem trừ vợ tôi vì lý do không thích.
Từ khách sạn chúng tôi đi bộ qua đường một đoạn là tới chỗ xem show, gồm hai khu vực trong nhà và ngoài trời. Buổi diễn bắt đầu lúc 9h ở trong nhà và theo quan sát của tôi thì không còn một chỗ trống nào, đa số là người Trung Quốc. Mở đầu là một màn trống cực kỳ hoành tráng và ấn tượng, sau đó là đến các tiết mục múa, hát và một số tiểu phẩm nhằm truyền bá và ngợi ca văn hóa, phong tục của địa phương như tôi đã nói ở trên. Phần 2 là màn biểu diễn võ thuật ngoài trời, phần này có lẽ chủ yếu để quảng cáo bán thuốc. Cá nhân tôi đánh giá cao buổi diễn nhưng có vẻ như nó chưa xứng với cái giá 350 tệ (hơn triệu bạc). 

4/8

Sáng nay chúng tôi trả phòng sớm để đi tham quan cầu kính Đại Hiệp Cốc nằm ở gần quận Vũ Lăng Nguyên (đâu như cách 15km). Cái này cũng như Show Rạng rỡ Tương Tây tối qua là không nằm trong chương trình của Tour nên đoàn chúng tôi phải trả tiền riêng, 380 tệ mỗi người cho 2 tiếng tham quan. Nếu như Sạn đạo kính tựa vào sườn núi thì Cầu kính Đại hiệp cốc nối giữa hai ngọn núi với chiều dài 430m, rộng 6m và chiều cao 300m. Ở đây máy ảnh và máy quay chuyên dụng không được phép nên chỉ có thể mang theo điện thoại để chụp ảnh. Trời khá nắng nên tiếng là có 2 giờ tham quan nhưng mọi người chỉ ở trên cầu khoảng 40 phút để chụp ảnh. Phong cảnh đẹp và tôi không hề thấy sợ chút nào như tôi đã tưởng tượng, thế có phải nếu cứ lo sợ viển vông ta sẽ mất đi những cơ hội thú vị.  















Do chương trình Cầu kính xong sớm nên HDV quyết định đưa đoàn đi luôn Hồ Bảo Phong thay vì để đến chiều như kế hoạch. Cả đoàn ngồi thoải mái trên một tầu to chạy hoàn toàn bằng động cơ điện nhưng lại không được gọi là tầu "Sinh thái", tổ lái gồm một bác lái tầu và một cô trợ lý.

Hồ Bảo Phong được bao bọc xung quanh bởi những ngọn núi trùng điệp, tạo nên một phong cảnh bao la hùng vĩ, nước trong xanh dù nghe nói là hồ không lưu thông. Dọc đường có vài cái chòi của người Thổ gia, du khách tới gần hãy cùng nhau vỗ tay, từ trong chòi sẽ có người con trai hay con gái Thổ gia xinh đẹp tiến ra hát những bài ca địa phương mang ý nghĩa chào đón khách.
Sắp kết thúc hành trình, cô trợ lý lên đầu tầu hát một bài tặng đoàn, tôi tự hỏi không lẽ đó là toàn bộ công việc của cô trong chuyến đi?







Ở Trương Gia Giới có một sinh vật mang tính biểu tượng, đó là cá Oa Oa, hay Va Va gì đó. Là vì tiếng kêu của nó như là tiếng trẻ con khóc, chân nó giống như tay người. Nghe nói thịt cá Oa oa rất ngon và đắt vì chính phủ Trung Quốc bảo tồn không cho săn bắt cá tự nhiên, vi phạm phải đi tù. Sau này người ta đã nuôi được nó, và cá nuôi thì có thể được thịt. HDV nói nếu đoàn muốn thưởng thức thịt cá Oa Oa thì cô ấy sẽ tổ chức, nhưng nghe mô tả về nó đã chẳng ai muốn ăn rồi, huống hồ lại còn đắt.

Từ Hồ Bảo Phong chúng tôi đi xe bus đến một thác nước ở gần đó, ở đây ngoài thác nước đoàn còn được tận mắt xem cá Oa Oa mà người ta nuôi ở một bể to ngoài trời, nhìn nó như con cá sấu nhỏ hay là con thạch sùng to vậy (nó dài tới hơn 1m).







Tại thác nước, tôi rút máy quay ra để tác nghiệp thì mới phát hiện ra mình đã để mất nó, không biết tôi để quên trên tầu ở Hồ Bảo phong hay trên xe bus. Tiếc cho không biết bao nhiêu tư liệu mà tôi đã quay được.
Chiều nay chúng tôi sẽ về lại Trường Sa để chuẩn bị cho chuyến bay sớm trở về Việt Nam sáng ngày mai. Trong lúc chờ Sư phụ đến đón, vợ rủ tôi ra một quầy hàng bán các loại vòng đá và cho tôi xem một cái vòng mà cô ý thích. Chú bán hàng dùng ngôn ngữ hình thể để quảng cáo rằng đây là vòng Ngọc xịn và báo giá 320 tệ, tôi bỏ đi, chú gọi "ơi, Việt Nam" và ra hiệu tôi trả giá, tôi trả 80 tệ, chú bán. 
Trên đường xe về khách sạn, đoàn đã có một buổi giao lưu rất vui vẻ, một vài người tham gia văn nghệ, vợ chú Tuyển hát rất hay còn chú thì kể những câu chuyện về lịch sử vô cùng thú vị và hữu ích. Mọi người đều mong có cơ duyên để được tiếp tục đồng hành trong những chuyến đi sau này của cuộc đời. 

5/8

Khách sạn đoàn ở cách sân bay Trường Sa chừng 10 phút. 4h sáng chúng tôi đã dậy và di chuyển ra sân bay để kịp làm thủ tục cho chuyến bay 7h. 
Trên cao mây trắng, nắng vàng cho đến tận khi gần về đến sân bay Nội Bài thì trời lại u ám. Xe của công ty đã chờ sẵn phía ngoài trong cơn mưa nặng hạt nghe nói đã kéo dài trong suốt những ngày qua ở Hà Nội.
Có thể nói chúng tôi đã rất may mắn khi thời tiết tuyệt đẹp trong suốt cả chuyến đi mặc dù đây đúng là thời điểm của những cơn mưa, bão. HDV Tuấn nói rằng 10 đoàn đi đến Trương Gia Giới thì 8 đoàn gặp mưa hoặc mù trời. Thế có phải người tính nhiều khi chẳng bằng trời tính.
Sắp kết thúc chuyến đi, HDV đưa cho chúng tôi một tờ giấy để lấy đánh giá của khách hàng, dưới đây là trích một số câu hỏi và trả lời trong đó mà tôi có mô li phê lên một chút:
Anh cho biết cảm nghĩ của anh về việc đi "tour"? 
- Ở những nơi xa lạ, bạn nên đi tour, và hãy lựa chọn công ty làm tour có uy tín.
Thế còn về chuyến đi này anh đánh giá thế nào:
- Trừ khi bạn là người đòi hỏi quá cao, còn tôi thấy OK.
Có người cho là chuyến đi quá vội vã và ngày cuối cùng có được chơi gì đâu?
- Tôi đã trả lời rồi, trừ khi bạn đòi hỏi quá cao, hãy nhìn vào những mặt được của chuyến đi.
Trước khi chia tay, tôi lại hỏi hai bà cụ "bà có mệt không?", "không, tôi bình thường". Thế là thế quái nào?
Xin được qua đây gửi lời cảm ơn tới hai HDV Mai và Tuấn, các bạn đã làm việc rất có trách nhiệm và chuyên nghiệp, mong rằng sau này sẽ còn có cơ hội hợp tác với các bạn. Cảm ơn các bạn đồng hành, chúng ta đã cùng nhau có một chuyến đi mà với tôi nó là một kỷ niệm đẹp, đáng nhớ trong đời. Cảm ơn chú Tuyển về những câu chuyện lịch sử bổ ích và một số hình ảnh đẹp mà cháu có sử dụng trong bài viết này.
Cảm ơn Long và gia đình, mỗi năm hãy cố gắng tổ chức được cho hai gia đình đi chơi với nhau ít nhất một lần nhé.
"Sau mỗi chuyến đi xa, lại thấy yêu quê mình..."


Một số thống kê:
- Đoàn 20 người, lớn nhất 74, nhỏ nhất 6 tuổi.
- Tổng số ngày đi: 5 ngày 4 đêm (thực tế chỉ chơi được 3 ngày 4 đêm vì ngày đầu di chuyển suốt còn ngày cuối thì đi về từ sáng tinh mơ).
- Chi phí: 12.100.000đ/người, nhà tôi 5 người là hơn 60 triệu, cùng với xem Show Rạng rỡ Tương tây và đi Cầu kính Đại hiệp Cốc và mua đồ đạc, quà cáp, tổng chi phí mất khoảng gần 80 triệu.
- Sức khỏe: cả đoàn đều OK.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

30 NGÀY TRẢI NGHIỆM HERBALIFE

  Tôi 50 tuổi, vài năm gần đây càng ngày chuyển động càng nặng nề, đứng lâu một chút thì bị đau gối và gót, hay mệt mỏi. Cách đây đã lâu, có...