Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Cho mình hay cho con.

Một bạn tên Linh có gửi cho tôi một bức thư với tiêu đề “Vì mình hay vì con”, nội dung như sau:
Hôm nay, vô tình "lang thang" trên mạng được đọc nhũng bài viết của anh làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Đọc bài " Ước mơ của Pianonet" của anh tôi thấy mình như được sẻ chia và có điều gì đấy như giúp tôi bỏ được suy nghĩ mình đang " học đòi", đang " trưởng giả học làm sang" khi mỗi lần mơ đến chiếc đàn piano. Nói thật với anh, gia đình tôi cũng không khá giả gì, bố mẹ là bộ đội nên tôi cũng chẳng có gì đặc biệt về nhạc thậm chí nốt nhạc tôi còn không biết. Thế nhưng không hiểu sao tôi lại luôn mơ ước có một cây piano đến vậy. Và giờ khi đã có những đứa con tôi cũng thật sự mong có cảm giác giống anh chia sẻ là được nghe tiếng đàn piano từ những đứa con thân yêu của tôi. Nhưng các con tôi cũng không có năng khiếu âm nhac, chúng cũng không mơ ước về chiếc Piano như tôi vậy nên nhiều khi nghĩ: tôi có thể tiết kiệm để dành dụm mua một chiếc đàn Piano cho các con tôi nhưng liệu như thế có thực tế không? Có phải đấy là vì con hay vì sở thích của chính mình? Hay có phải là tôi đang "học đòi" không? (vì thực tế hiện nay xã hội hình như ai cũng muốn mình trở thành cao quý, sang trọng bằng cách mua sắm những thứ thật cao sang, tự bản thân mình tôi biết lý do tôi muốn chiếc đàn piano vì tôi yêu thích nó thế thôi). Anh có thể tư vấn giúp tôi được không? Làm thế nào để chiếc đàn Piano tôi muốn mua và muốn có sẽ thật sự Sống trong ngôi nhà của tôi chứ không phải là một vật vô tri chỉ để trang trí mà thôi. Cám ơn anh đã đọc. Chúc anh luôn thành công, thành đạt với công việc mà anh luôn hết lòng và có Tâm với nó.
Linh thân mến, lẽ ra thư từ ta có thể trao đổi riêng với nhau, nhưng vì vấn đề em nêu có thể không chỉ là của riêng em nên anh đã đề nghị chia sẻ nó với những người đồng cảm và anh rất vui khi nhận được sự đồng ý của em đồng thời với việc ở thư sau em đã gọi anh là anh và xưng là em, khiến chúng ta bớt đi một khoảng cách!
Cách đây chừng chục năm, khi con anh bắt đầu học đàn, nó cũng chẳng tỏ ra có năng khiếu hay ham thích gì. Nhưng vợ chồng anh nhất quán rằng việc cho con học một nghệ thuật là yếu tố cần thiết để con phát triển cân bằng trong cuộc sống, đặc biệt là trong một xã hội mà xu hướng đạo đức có vẻ đi xuống và sự vô cảm thì buồn thay lại đang đi lên.
Ngày đó, hoàn cảnh của vợ chồng anh nói riêng và xã hội nói chung đều chưa được thuận lợi (về mặt kinh tế) như bây giờ. Để mua được cây đàn Piano vào lúc đó là một việc rất trọng, quyết định của anh được đưa ra chắc phải khó khăn hơn nhiều so với em bây giờ. May mắn là cho đến nay anh biết mình đã quyết định đúng. Đó mới chỉ là việc mua đàn. Tiếp đó là một giai đoạn khó khăn hơn: học đàn.
Xác định được rằng hầu hết trẻ nhỏ là không tự ham muốn và phải do người lớn (bố, mẹ, thầy, cô) kèm cặp, định hướng, khuyến khích..., trước khi cho con học đàn, anh quyết định bái sư học đạo, “sư” là chị của vợ anh, giảng viên của Học viện Âm nhạc quốc gia. Anh đã miệt mài trong hai năm để có được những kiến thức và lối chơi cơ bản. Từ đó, trong suốt 3 năm kế tiếp, dù công việc bận bịu, hầu như ngày nào anh cũng ngồi bên cạnh cháu, nhiều thì 45 phút, ít thì 30 phút. Anh đã rèn được cho cháu coi việc chơi (tập) đàn thành một cái nếp, như là chúng cần phải ăn, hoặc đánh răng hàng ngày. Mặt khác, mỗi khi cháu hoàn thành một bài mới, việc bố lắng nghe, đánh giá khiến cháu rất hào hứng.
Linh ạ, khó khăn ban đầu của những đứa trẻ là như nhau, những đứa có năng khiếu sẽ dễ dàng hơn để thành tài, những đứa ít năng khiếu hoặc không có năng khiếu nhưng chịu khó rèn luyện vẫn có thể trở thành một nhạc công chuyên nghiệp. Vì vậy, rèn luyện là yếu tố quan trọng mang tính quyết định. Huống hồ, đa số chúng ta đều chưa hoặc không có ý định để con theo chuyên nghiệp thì không có lý do gì khiến em phải lo lắng cho khả năng của các con em trong việc học đàn.
Tuy nhiên, 3 năm đầu là giai đoạn khó khăn và cần phải vượt qua của người học đàn, mặc dù một số trẻ ban đầu tỏ ra hào hứng, nhưng đa số cũng chỉ được một thời gian ngắn. Việc “học” mỗi ngày một khó hơn và nếu như không có hoặc ít “hành” thì trẻ dễ rơi vào tình trạng chỉ đánh đi đánh lại mấy bài dễ mà nó đã tập được.
Hiện nay bố mẹ thường cho các con học 1 hoặc 2 buổi mỗi tuần, đó là một lịch học chuẩn mực, chớ nên hơn (đối với người không chuyên). Nhưng việc “hành” chiếm tới 5 hoặc 6 buổi mỗi tuần (~80%) thì lại không nhiều người theo dõi. Vì vậy, nếu bố mẹ không tham gia cùng con cái, việc “hành” sẽ chểnh mảng, hệ quả tất yếu là đứa trẻ sẽ chán và bỏ học.
Trở lại câu chuyện của bố con anh, bây giờ thì ku cậu đã đam mê rồi, anh ít phải lo nó có thể ngồi ngoài vỉa hè uống Cocacola và chém gió cùng bạn bè. Sự thưởng thức của nó đã vi tế hơn, nó thường xin bố lên Internet để tải những bản nhạc của Chopin, Beethoven... về để chơi trên Piano. Ngoài việc học hành, nó giải trí bằng cách chơi Piano, nghe nhạc giao hưởng và thỉnh thoảng xem Tam Quốc cùng bố...
Như thế, chỉ cần em cố gắng tham gia “hành” cùng con đều đặn, để tạo thành cái nếp cho cháu. Bên cạnh đó em hãy lắng nghe những bản nhạc để cảm nhận sự khác biệt từ lúc cháu bắt đầu tập cho đến khi hoàn thành. Được vậy, anh chắc rằng mẹ con em sẽ có một tương lai lâu dài với cây đàn Piano và đó nếu chẳng phải là sự “Sống” của cây đàn thì còn có thể là điều gì khác được nữa?!
Một khi cây đàn Piano đã “Sống” trong nhà mình, tự nhiên câu hỏi “Cho mình hay cho con?”  của em đã được giải đáp.
Và nếu anh là em, một khi anh cố gắng để vươn tới và đạt được những mục đích tốt đẹp thì anh luôn tin tưởng rằng sẽ không ai coi anh như kẻ “học đòi làm sang”. Dẫu có, anh vẫn sẽ làm điều cần thiết.
“Tự Mình biết riêng Mình và Ta biết riêng Ta”
Chúc tình yêu với cây đàn của em còn mãi, chúc mẹ con và gia đình em luôn hạnh phúc!

1 nhận xét:

  1. Cám ơn anh rất nhiều về những chia sẻ và kinh nghiêm của chính anh. Thật ra việc muốn con học thì mình cũng phải học em cũng đã nghĩ đến nhưng hôm nay đọc những điều anh viết em mới nghĩ mình nên quyết tâm làm việc đó. Trước mắt, có lẽ em chưa có thời gian nhưng chắc chắn sau khi sắp xếp được công việc và cả kinh tế để mua đàn nữa ạ :) em sẽ làm phiền đến anh hy vọng anh không thấy phiền :). Cám ơn anh một lần nữa.Chúc anh và gia đình sức khỏe và hạnh phúc.

    Trả lờiXóa

30 NGÀY TRẢI NGHIỆM HERBALIFE

  Tôi 50 tuổi, vài năm gần đây càng ngày chuyển động càng nặng nề, đứng lâu một chút thì bị đau gối và gót, hay mệt mỏi. Cách đây đã lâu, có...