Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2010

Niềm tin.

Tôi có người chị dạy tiếng Anh, hễ có ai nói chuyện về tiếng Anh thì chị ấy say sưa nói cả ngày được. Lại có mấy anh bạn làm về ô tô, nói về ô tô là coi như "gãi đúng chỗ ngứa". Cái đó gọi là nghề nghiệp, nghề nào thì có nghiệp nấy, có đồng nghiệp nấy. Ngay như buổi tối ở hàng nước ngoài ngõ nhà tôi, cũng có sự xum họp rất sôi nổi của mấy "đồng nghiệp" già có, trẻ có của cái "nghiệp" lô, đề ! 
Cái nghề của tôi là đàn Piano nên cái nghiệp của tôi là hay nói chuyện về đàn Piano. Ấy là phần mở đề của câu chuyện ngày hôm nay, giờ xin vào đề:
Hôm kia có bác khách cũ mua đàn của tôi cách đây chừng một năm gọi điện thoại cho tôi hỏi lại địa chỉ để giới thiệu cho một người thân đến mua đàn (chả là ngày trước tôi có cửa hàng đàn ở phố chợ nay tôi trả cửa hàng về nhà làm, chuyện này tôi sẽ nói sau). Hôm qua anh này đến, nhờ tôi chọn cho một cây đàn và nói rằng bác C (bác khách cũ đó) đặc biệt tín nhiệm tôi và anh hẹn hôm sau sẽ quay lại để đặt tiền. Hôm nay đang viết đến đây thì anh này (anh tên là K) đến đặt tiền, sướng thật !
Nhớ ngày bác C mua đàn của tôi, đợt ấy tầu biển về bị chậm nên tôi phải hẹn lại bác tới vài lần, nhưng bác vẫn kiên nhẫn chờ đợi và khi hàng về thì đến mua ngay mà hầu như không xem cái đàn đó nó ra sao, giấy bảo hành bác cũng chẳng buồn lấy. Bác nói ngày nào cũng đọc website của tôi và đã tin tưởng ở tôi rồi, không cần phải xem xét gì nữa. Tôi cũng cảm nhận được niềm tin của bác dành cho mình nên thay vì sau đó có nhân viên đến lên dây đàn thì tôi lách cách đạp xe đến làm cho bác. Khi đó, tôi có cảm giác như một đứa trẻ con làm việc tốt và được người lớn khen, từ đó đứa trẻ luôn cố gắng làm việc tốt hoặc ít nhất là luôn cố gắng làm việc tốt trước mặt người đã khen nó. Bác tuy đã có tuổi và mua đàn cho cháu gọi bằng ông (tức là đáng tuổi cha chú tôi) nhưng bác gọi tôi là em. Tôi vừa thấy hơi ngường ngượng vừa thấy rất gần gũi.
Cái tín nhiệm bác dành cho tôi mạnh đến mức nó truyền sang anh K khiến anh nhất định tìm bằng được tôi mặc dù trong quá trình tìm kiếm cửa hàng cũ của tôi bên phố chợ thì anh cũng đã vào không biết bao nhiêu cửa hàng đàn khác. Cũng như bác C, anh K đến và mua ngay chứ hầu như chẳng xem xét gì. Bởi vì anh K thì tin bác C, bác C thì tin tôi. Đó là SỨC MẠNH CỦA NIỀM TIN. Ngoài bác C và anh K, thật may mắn, tôi nhận được sự gửi gắm niềm tin của không ít những người khác, những người trước đó là xa lạ với tôi và có ở mọi miền của đất nước. Tất nhiên, không phải ai cũng tin tôi như vậy, những người còn lại, họ ra sao?
Trước có một chị làm giảng viên Yoga đến hỏi mua đàn của tôi vào một buổi tối (vì đây không phải là tiểu thuyết và tôi cũng không thực sự nhớ hôm đó vào mùa gì nên tôi không cho mùa vào đây). Chị ngồi nói chuyện với tôi lâu lắm và giới thiệu rằng chị cũng đã đọc website của tôi nên mới đến đây. Với một thái độ hết sức cảnh giác và hồ nghi chị nói rằng chị "rất tin tưởng tôi". Sau cùng, chị vẫn quyết định mua một cây đàn và hỏi rằng liệu sau khi hết thời gian bảo hành thì nó có hỏng không và nếu có thì chị biết làm sao với nó? Mặc dù lúc đó chị đã quyết định mua đàn rồi nhưng tôi thấy ái ngại cho chị quá nên khuyên chị hãy về suy nghĩ thêm, chỉ khi thực sự tin tưởng vào bản thân mình hoặc tin tưởng tôi thì hãy mua. Tuy tôi không nhớ hôm đó vào mùa gì nhưng tôi nhớ nó vào thứ bảy, thứ hai chị quay lại hỏi thêm một số thứ nữa với tư tưởng đã thoải mái hơn nhiều và thứ ba thì chị quyết định mua một cách rất hân hoan. Đó là câu chuyện về một người khách ít tin tưởng tôi hơn nhưng dù sao như thế vẫn còn là tin tưởng. Thế còn những người khác nữa, họ thế nào?
Có một anh là dân buôn bán nên thông thạo lắm. Anh đọc website của tôi, đọc website người khác, đi tới các cửa hàng, gặp tất cả những người bán hàng, gặp tôi. Anh hỏi tôi mọi thứ, kiểm tra giấy tờ, vào cả website của những nhà cung cấp đàn cho tôi tại Nhật Bản. Tôi gặp anh ý ba hay năm lần, thực không nhớ rõ lắm, nhưng chắc chắn nó không dưới ba lần, lần đầu tiên và lần sau cùng cách nhau khoảng chừng một tháng. Sau đó, anh quyết định mua đàn của tôi sau khi kể ra hằng hà sa số những cửa hàng đàn ở Hà Nội, mỗi cửa hàng gắn với tên của một ông chủ cửa hàng và những trải nghiệm mà anh có được trong thời gian đó. Anh có một thái độ cầm chừng, chẳng tin ai cả và kể cả khi mua đàn của tôi, anh cũng chẳng tỏ ra tin tưởng gì tôi. Nhưng vừa rồi anh lại có nhã ý giới thiệu một người bạn đến mua đàn của tôi, thú vị thay cuộc sống này!
Ngày tôi mới mở cửa hàng, có 2 anh, chắc là bạn bè của nhau (vì phàm những người đã không tin tưởng nhau thì thậm chí về các mối quan hệ họ cũng giới thiệu một cách làng nhàng, muốn hiểu ra sao cũng được) đến gặp tôi nhờ tư vấn. Sau vài ngày họ lại đến để hỏi về một số vấn đề còn khúc mắc. Hơn tuần sau họ quay lại với một cây đèn Pin rất to, soi tỏ mọi thứ, mọi ngõ ngách. Và một tuần sau đó, họ trở lại, tôi mừng lắm, nhưng than ôi, họ lại ra đi ! Kể từ đó, tôi chẳng bao giờ gặp lại họ. "Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người...", tôi thầm hát.
Còn mới đây chỉ khoảng hai tuần trước, tôi bán cây đàn cho một cô. Cô đến lần này là lần thứ hai, sau cuộc nói chuyện đầu tiên giữa hai chúng tôi cách đây hơn một tháng khi cô nhờ tôi tư vấn. Cô bảo "em nghe nói, những cây đàn có 4 cột  gỗ ở đằng sau thì sản xuất ở Trung Quốc, còn những cây đàn có 6 cột mới sản xuất tại Nhật". Quả thực, mặc dù là một KTV Piano nhưng tôi chưa bao giờ được đào tạo về công thức: "số cột đàn = nước sản xuất". Chột dạ, tôi nhìn lại toàn bộ số đàn mình đang có, trớ chêu thay, theo công thức đó nó toàn là "đàn Trung Quốc". Thế là ngoài việc chứng minh nguồn gốc đàn bằng tờ C/O (Certificate of Origin), tôi còn phải cam kết rằng nếu đây là đàn Trung Quốc thì tôi sẽ mua lại nó bất cứ lúc nào và chịu bồi thường thêm bằng giá trị mà tôi đã bán. Đến nay, chưa thấy cô bắt bồi thường !
Có người thì sau khi tiếp họ, tôi có lời khuyên chân thành là họ đừng nên mua gì cả. Vì họ nghi ngờ tất cả mọi thứ: họ nghi ngờ tôi, nghi ngờ người Nhật bán hàng cho tôi, nghi ngờ giấy tờ giả mạo, nghi ngờ đàn bị mông má lại v.v... Cũng chẳng thể trách họ, đó là một hệ quả xấu mà xã hội đã tạo ra. Buồn thay !
Và lý do lớn nhất khiến tôi trả cửa hàng ở phố chợ để về làm tại nhà riêng của mình là để tránh những ánh mắt thăm dò của các vị khách với nỗi hồ nghi to lớn khi đi "chợ" mua hàng, những sự trả giá cò kè bớt một thêm hai, những câu hỏi "chợ búa" kiểu "con hàng này, con hàng nọ"... Thái độ của họ nhiều khi làm tôi thấy chạnh lòng (hay nói hơi phụ nữ một tí là thấy tủi thân).Về nhà mình, tôi ít khách hơn, nhưng đa phần những vị khách mà tôi tiếp không nhìn tôi với ánh mắt ngờ vực. Tôi thấy hạnh phúc vì điều này.
Có một đặc điểm chung rất đáng trọng của hầu hết những người đi tìm mua đàn nằm ở chính việc họ đang làm. Như thế, họ là những bậc ông bà, cha mẹ biết quan tâm tới đời sống tinh thần của con cháu. Nhiều người có tiền để mua được cây đàn, nhưng không nhiều người hiểu được giá trị của cây đàn đem lại cho con cháu của mình. Như vậy, họ là những người có trình độ, chỉ có điều một phần trong số đó đã bị xã hội thời mở cửa tước đi mất phần lớn niềm tin.
Mong thay mỗi người chung một tay xây dựng lại những giá trị đã mất, đừng để đến khi nó "tuyệt chủng" !


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

30 NGÀY TRẢI NGHIỆM HERBALIFE

  Tôi 50 tuổi, vài năm gần đây càng ngày chuyển động càng nặng nề, đứng lâu một chút thì bị đau gối và gót, hay mệt mỏi. Cách đây đã lâu, có...